Bộ NNPTNT phản đối Nhiệt điện Vĩnh Tân đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển

Về việc nhận chìm 1 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Tuy Phong, Bình Thuận), gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, đại diện Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: không thể đổ ở vùng đó vì sẽ tác động xấu đến hệ sinh thái. Chủ dự án cần xác định vị trí đổ ở vùng khơi.

Vừa qua Bộ NNPTNT có văn bản trả lời bộ TNMT với nội dung không đồng tình vị trí nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 bởi vị trí này quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau và có thể gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển tại khu vực này, đặc biệt là đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các cơ sở sản xuất giống thủy sản.

bo nnptnt phan doi nhiet dien vinh tan do 1 trieu m3 bun thai xuong bien hinh anh 1

Bộ NN&PTNT không đồng tình vị trí nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Ảnh: IT

Vị trí nhận chìm mà chủ dự án đề xuất cách vùng đệm đảo Hòn Cau 9km về hướng Tây theo đại diện Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản là không đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 57 Luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo.

Bộ NNPTNT đưa ra quan điểm rằng, không riêng gì Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, bất cứ nhà máy nhiệt điện nào trên cả nước muốn đổ thải cũng phải làm đúng quy định, phải tìm nơi xa để đổ. Trong vùng ven bờ tập trung nhiều thủy sản còn non, các loài thủy sản đang đi sinh sản, khu vùng trong này là bãi đẻ, hệ sinh thái nằm hết trong bờ, nếu đổ gần như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết, chất thải đó về mặt nguyên tắc được phép nhận chìm, nhưng điều quan trọng là ở vị trí nào, khu vực nào, không phải ở đâu cũng có thể nhận chìm chất thải được. Chính vì vậy phải đánh giá cẩn thận vị trí doanh nghiệp muốn nhận chìm chất thải. Vị trí đó không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nếu nơi nhận chìm có san hô, bãi đẻ của sinh vật thì không thể thực hiện được.

Vùng nhận chìm chất thải theo đề xuất của chủ dự án không phải nhỏ, lên tới 10km diện tích mặt biển, chất thải sẽ lan tỏa rất lớn.

Các doanh nghiệp vì lợi nhuận đã không quan tâm đến hệ sinh thái biển, bởi vì nếu đổ xa doanh nghiệp sẽ tốn kém, nhưng không thể vì kinh tế mà doanh nghiệp làm bất chấp môi trường, hệ sinh thái biển.

Hầu hết các nước đều nhận chìm ở những vùng biển rất xa, ở nơi đó không có hệ sinh thái, không có loài nào sống, và trước khi nhận chìm bắt buộc chất thải phải đóng thùng cẩn thận.

Đề cập đến phương án nhận chìm rác thải, đại điện Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho hay do doanh nghiệp tính toán, tìm vị trí đổ thải, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét phương án đó có phù hợp hay không. Doanh nghiệp phải trình  Bộ TNMT, còn Bộ NNPTNT chỉ có ý kiến. Tuy nhiên nếu Bộ NNPTNT có ý kiến không đồng ý thì doanh nghiệp cũng không làm được.


  • TAGS: