Rủi ro tiềm ẩn khi “xuống tiền” tại dự án Bà Rịa Central?

Dự án Bà Rịa Central mới ở giai đoạn “trứng nước” khi đang xin phép xây dựng hạ tầng nhưng các đơn vị phân phối đã huy động vốn trái phép từ tháng 4/2019. Mặc dù, chủ đầu tư có dấu vi phạm trong việc thực hiện dự án, thế nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn không có bất cứ động thái xử lý nào.

Rủi ro tiềm ẩn khi “xuống tiền” tại dự án Bà Rịa Central?

Dự án Bà Rịa Central chưa xong hạ tầng đã nhận cọc giữ chỗ, thu tiền của khách hàng

Hạ tầng chưa xong đã vội thu tiền?

Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh, theo ghi nhận thực tế tại dự án Bà Rịa Central, hiện dự án mới thực hiện xong việc san lấp mặt bằng và đang tiến hành đổ bê tông cống hộp. Tuy nhiên, vào ngày 26/8, trong vai khách hàng hỏi mua dự án Bà Rịa Central theo số hotline của trang web datnenbariacentral.com, PV được một người giới thiệu tên M, tự xưng là nhân viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ BĐS Eximrs (M cũng cho biết Công ty Eximrs nay đã đổi thành Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Holdings) khẳng định rằng, hiện công ty vẫn đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng. Khi được hỏi "vì sao chưa có giấy phép lại cho xe vào thi công", M “bật mí”: “Cái này là mối quan hệ riêng của công ty…”.

Trước đó, vào ngày 16/4, PV liên hệ với nhân viên tên L, cũng giới thiệu là người của Công ty Eximrs thì được cho biết, dự án Bà Rịa Central đang cho đặt chỗ với số tiền là 30tr/nền và hiện khách hàng đã đặt chỗ gần hết, đến ngày 12/5 sẽ mở bán. Đồng thời, L cũng cung cấp bảng tiến độ thanh toán dự án với nhiều điểm bất thường.

Cụ thể, theo bảng thanh toán do L cung cấp thì trong vòng 6 tháng khách hàng sẽ phải đóng 95% giá trị nền đất và chia thành 4 đợt. Riêng đợt 5, khách hàng phải đóng 5% còn lại khi nhận Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nhưng lại không thể hiện thời gian cụ thể khi nào phải đóng để nhận được sổ.

Khi đề cập tới vấn đề pháp lý và tiến độ xây dựng hạ tầng, L khẳng định: “Pháp lý bên em đã xong rồi, đợi tới ngày mở bán sẽ cho khách xem. Hiện hạ tầng đang được hoàn thiện để mở bán vào tháng sau”.

Để lấy lòng tin của khách hàng, L còn đưa ra một số phiếu giữ chỗ đã được khách hàng “xuống tiền” mua nền tại dự án Bà Rịa Central. Tuy nhiên, trên phiếu đặt giữ chỗ mà nhân viên này cung cấp lại không hề thể hiện căn cứ vào đâu, cũng không thể hiện có sự ủy quyền của ông Phạm Ngọc Hải, chủ đầu tư dự án Khu dân cư Nam Á (được đổi tên thành Bà Rịa Central).

Phiếu đặt chỗ, thu tiền của khách hàng

Phiếu đặt chỗ, thu tiền của khách hàng

Một điều đáng lưu ý hơn, khu đất quảng cáo là thực hiện dự án Bà Rịa Central có ghi nhận đang nợ tiền thuế sử dụng đất.

Cụ thể, theo thông tin được cập nhật tại Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 4/3/2019, khu đất trên mới chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây hàng năm khác thành đất ở với diện tích 7.658,2 m2 và đất trồng cây lâu năm với diện tích 12.064,8m2 theo Quyết định số 6572/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 của UBND TP Bà Rịa. Ngoài ra, thông tin trên giấy này còn ghi nhận, hiện ông Phạm Ngọc Hải vẫn còn nợ tiền sử dụng đất hơn 14 tỷ đồng theo thông báo nộp tiền sử dụng đất số LBT1971703-TK0002965/TB-CCT ngày 23/01/2019 của Chi cục thuế TP Bà Rịa.

Rủi ro tiềm ẩn

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên, Đoàn Luật sư TP HCM, ở góc độ pháp lý, độ rủi ro hiện nay ở các dự án bán “lúa non” đang rất cao. Đây là hình thức chiếm dụng vốn của khách hàng để chủ đầu tư có tiền phát triển dự án.

Cũng theo luật sư Biên, dự án chưa đủ điều kiện, chưa có thông báo của Sở Xây dựng đã mở bán là sai. Theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, thì các hợp đồng này vô hiệu. Mặt khác, trong trường hợp này, việc chủ đầu tư sử dụng tiền của khách hàng là sai quy định của Bộ luật Dân sự và sai với quyết định phê duyệt dự án về vốn thực hiện dự án. Còn đối với việc lách luật khi giới thiệu dự án hoặc cho khách hàng đặt chỗ thì người mua cũng nên cẩn trọng.

Dự án được trang trí quảng cáo bắt mắt

Dự án được trang trí quảng cáo bắt mắt

“Dự án mới trong giai đoạn xin cấp giấy phép xây dựng, chưa có thông báo đủ điều kiện được bán và chưa có hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng thì sẽ có rất nhiều rủi ro về vốn của chủ đầu tư trong quá trình xây dựng.... Vậy nên, người mua cần cẩn trọng trước khi tham gia ký kết văn bản đặt cọc. Đa phần rủi ro thường là các dự án bán ‘lúa non’, mập mờ pháp lý...”, luật sư Biên chia sẻ.

Ngày 15/8, PV đã liên hệ UBND TP Bà Rịa để xác minh thông tin liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án, cũng như việc Công ty Eximrs đang tiến hành huy động vốn từ khách hàng bằng hình thức nhận đặt cọc, giữ chỗ. Tuy nhiên, tới nay đã hơn 20 ngày nhưng phía TP Bà Rịa vẫn không có bất cứ phản hồi gì liên quan tới dự án trên.

Do đó, để minh bạch thông tin về dự án, tránh rủi ro cho người dân là khách hàng, đề nghị UBND TP Bà Rịa sớm rà soát hồ sơ, thông tin chính thức về các hoạt động và pháp lý của dự án Bà Rịa Central.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô


  • TAGS: