Hội nghị Khoa học kinh tế trẻ năm 2020: Cơ hội và Thách thức ngành tài chính ngân hàng Việt Nam thời 4.0

Ngày 22/12/2020, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Khoa học kinh tế trẻ năm 2020 với chủ đề “Cơ hội và thách thức của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị là dịp xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ về nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất, quan điểm và trao đổi học thuật giữa các sinh viên, học viên, giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện về những cơ hội và thách thức của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị Khoa học kinh tế trẻ năm 2020

Hội nghị gồm 2 phần phiên toàn thể và các phiên tiểu ban. Đặc biệt, ở phiên tiểu ban gồm hai nội dung lớn là “Tài chính ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tập trung vào cơ hội, thách thức và những giải pháp giúp ngành tài chính ngân hàng Việt Nam thích nghi và hội nhập tốt với thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chiến lược hoạt động của các ngân hàng Việt Nam trước những cơ hội, thách thức khi Việt Nam là thành viên của các Hiệp định thương mại đã ký kết; “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” là những vấn đề về chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng phát triển và năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm và chiến lược phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của các quốc gia trong khu vực và thế giới, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển nền văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế.

CMCN 4.0 đặt ra những thách thức mới về bảo mật. Với tốc độ phát triển của công nghệ số như hiện nay, bảo mật là vấn đề khiến ngân hàng ở các nước, trong đó có Việt Nam phải quan tâm rất nhiều khi trình độ của các tổ chức tấn công mạng, trình độ của tội phạm cũng ngày càng cao hơn. Việc tấn công các ngân hàng không còn chỉ trong phạm vi trong nước mà tại bất kỳ một quốc gia nào, tội phạm cũng có thể tấn công được các ngân hàng Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng lõi truyền thống phức tạp đang là rào cản lớn nhất đối với sự thành công của ngân hàng số. Nếu không có sự thay đổi về chiều sâu, các ngân hàng có thể bị tụt lại trong cuộc đua cung cấp các trải nghiệm số cho khách hàng. Hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời với cấu trúc không linh hoạt và hoạt động nguyên khối cũng đang cản trở các ngân hàng phát triển lên ngân hàng số, trong khi đó việc thay đổi hệ thống rất phức tạp mất nhiều thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư chiến lược cho các công nghệ mới bị hạn chế khi mà các ngân hàng Việt Nam hiện nay kinh doanh mới chủ yếu tập trung vào ngắn hạn; thiếu chiến lược, tầm nhìn về công nghệ số, hiểu biết hạn chế về số hóa và các tiềm năng của số hóa cũng đang hạn chế các ngân hàng đầu tư đúng mực vào việc hiện đại hóa hệ thống...

Thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có sự thay đổi, do việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 có thể khiến số lượng nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán sụt giảm đáng kể. Thực tế hiện nay tại Việt Nam, một số ngân hàng, DN bảo hiểm… đã sử dụng trí tuệ nhân tạo thay thế cho các nhân viên để tự động trả lời, hoặc tương tác với khách hàng, nhằm giảm thiểu chi phí vận hành và đào tạo nguồn nhân lực.

Hội nghị đã nhận được 65 bài báo khoa học từ các sinh viên, học viên, giảng viên, cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ thuộc 31 trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp trên trên toàn quốc. Trong đó có 40 bài báo khoa học đã được Hội đồng khoa học hội nghị đánh giá và chọn đăng trong kỷ yếu hội nghị. Các bài báo khoa học đều được nhận xét, phản biện từ Hội đồng khoa học và đặc biệt tuyển chọn 14 bài báo trình bày tại hội nghị. 

Top 3 bài báo khoa học đã được Hội đồng khoa học tuyển chọn, phản biện và trao giải thưởng

Cũng tại sự kiện lần này, Tổng cộng có 14 bài báo khoa học đã được Hội đồng khoa học tuyển chọn, phản biện và trao giải thưởng. Các bài báo đạt giải tại hội nghị được hỗ trợ phản biện và ưu tiên công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (cả tiếng Anh và tiếng Việt), Tạp chí Kinh tế - Ngân hàng Châu Á (tạp chí hiện đã được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học).

Kết quả, giải Nhất đã được trao cho nhóm tác giả Lê Vinh Trường và Nguyễn Nhật Quí (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) với bài báo "Kiểm tra tác động của các yếu tố phá sản và giới hạn chênh lệch giá đối với sự trở lại của cổ phiếu xổ số có giới hạn giá: Bằng chức thực nghiệm từ Việt Nam" và tác giả Nguyễn Thị Như Quỳnh (Khoa Tài Chính, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) với bài báo có đề tài "Tác động của cấu trúc thị trường xuất nhập khẩu dầu thô đến thị trường chứng khoán của các quốc gia Châu Á".

Giải Nhì đã thuộc về nhóm tác giả gồm Vũ Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Trần Khánh Linh, Bùi Nguyễn Huỳnh Như (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) với bài báo "Tác động hành vi tìm kiếm thông tin trên Internet đến lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam" và tác giả Nguyễn Trung Hiếu, Lưu Ngọc Liêm (Trường Đại học Lạc Hồng) với bài báo "Các yếu tố ảnh hưởng đến gắn kết của người lao động trong các doanh nghiệp logistics tại tỉnh Bình Dương". 

Trong khi đó, giải Ba đã thuộc về hai bài báo "Năng lực thích ứng của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập kinh tế tại Việt Nam" (của tác giả Lê Thị Yến, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và "Ảnh hưởng của năng lực quản lý doanh nghiệp tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp" (tác giả Cù Thanh Thủy, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội).

Thúy Vinh


  • TAGS: