Bí ẩn doanh nghiệp 7 ngày tuổi thâu tóm lượng lớn cổ phiếu OGC

CTCP Xây dựng Sông hồng Bắc Việt vừa mua vào hơn 27 triệu cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu lên đến 9,02% vốn từ ngày 8/12/2023. Đáng nói, doanh nghiệp này mới được thành lập vào ngày 1/12/2023 - tức 7 ngày trước khi trở thành cổ đông lớn của OGC.

Sông Hồng Bắc Việt trở thành cổ đông nắm 9,02% vốn OGC.

Sông Hồng Bắc Việt trở thành cổ đông nắm 9,02% vốn OGC.

Doanh nghiệp thành lập 7 ngày chi 200 tỷ mua OGC

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã CK: OGC) vừa công bố báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt (viết tắt: Sông Hồng Bắc Việt).Theo đó, vào ngày 8/12, Sông Hồng Bắc Việt đã thực hiện giao dịch (hoặc hoán đổi) để nắm giữ gần 27,06 triệu cổ phiếu OGC, tương ứng với 9,02% vốn điều lệ. Trước đó, Sông Hồng Bắc Việt không nắm giữ cổ phiếu OGC nào.

Sông Hồng Bắc Việt được thành lập vào ngày 1/12/2023 - tức 7 ngày trước khi trở thành cổ đông lớn của OGC. Công ty này đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tòa nhà Icon4, số 243 Đê La Thành, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, với ngành nghề kinh doanh chính là "hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (chi tiết: tư vấn đầu tư)". Vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Sông Hồng Bắc Việt do bà Đinh Thị Nhi (SN 1994) đảm nhiệm.

Thời điểm ban đầu, Sông Hồng Bắc Việt có vốn điều lệ 189,2 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Nguyễn Đức Tâm (sở hữu 47,7% vốn điều lệ), ông Lê Thanh Hải (46,46% VĐL) và bà Đặng Thị Thủy (5,84% VĐL). Ông Lê Thanh Hải hiện là người đại diện CTCP Đầu tư Hạ tầng Đô thị Thăng Long tại Nghệ An.

Trong khi đó, 2 cổ đông còn lại đều dẫn đến hình bóng của một trong những tập đoàn bất động sản sở hữu quỹ đất rộng và đa dạng bậc nhất cả nước. Ít năm trở lại đây, nhóm này còn đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cụ thể, bà Đặng Thị Thủy sinh năm 1994, hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Kim Sa. Đây là doanh nghiệp ra đời vào cuối năm 2021 với vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng, góp bởi các ông/bà: Nguyễn Ngọc Liên (29,17%), Đinh Minh Toàn (29,17%) và Nguyễn Khánh Dung (41,67%).

Vào tháng 9/2022, Kim Sa đang nắm 48,9 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 489,2 tỷ đồng tại CTCP phát triển nghỉ dưỡng Đà Nẵng (viết tắt Công ty Đà Nẵng). Công ty Đà Nẵng ra đời vào tháng 10/2021 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm bà Phạm Thị Ngọc Thanh (15%), bà Trần Thị Kiều Tiên (70%) và Nguyễn Phan Việt (15%). Một năm sau đó Công ty Đà Nẵng tăng vốn lệ lên 515 tỷ đồng.

Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Hà Đăng Sáng (SN 1985). Doanh nhân sinh năm 1985 này nên biết là một mắt xích trong hệ sinh thái TNG Holdings. Theo đó, ông Sáng hiện đang là Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật tại CTCP Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam.

Về phần mình, ông Nguyễn Đức Tâm - cá nhân sở hữu 47,7% vốn Sông Hồng Bắc Việt, hồi năm 2013 là cổ đông nắm cổ phần tại CTCP Bê tông Xây dựng Hà Tây và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại An Thái. Song hành cùng ông Tâm ở vai trò cổ đông tại 2 doanh nghiệp này còn có CTCP Mua bán nợ VID, nay là CTCP Đầu tư Tiến An. Cùng ngày 23/12/2023, ông Tâm và Đầu tư Tiến An đã thế chấp cổ phần Bê tông Xây dựng Hà Tây và Thương mại An Thái tại Ngân Hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

OGC có gì để thu hút nhà đầu tư?

Giao dịch của Sông Hồng Bắc Việt diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu OGC đang nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính ở mức âm. Điều này phần nào cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giới chủ Sông Hồng Bắc Việt dành cho Ocean Group.

Về OGC, đây từng là tập đoàn đa ngành hàng đầu ở thập niên trước, với quy mô hàng chục công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng, truyền thông, chứng khoán, ngân hàng, thương mại...Hệ sinh thái Đại Dương trên thị trường còn được biết đến là cổ phiếu bluechip gắn với tên tuổi của doanh nhân Hà Văn Thắm.

Giai đoạn 2007-2010, trước thềm chào sàn và mơ ra biển lớn, OGC chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc. Với số vốn chỉ 10 tỷ đồng năm 2007, 3 năm sau đó Công ty đã nhanh chóng tăng vốn lên 2.500 tỷ và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011. Ở thời kỳ đỉnh cao 2010-2013, lợi nhuận OGC đạt hàng ngàn tỷ mỗi năm, thuộc Top doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán.

Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của OGC đạt hơn 11.400 tỷ với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank và OGC vướng vòng lao lý cuối năm 2014, Công ty bắt đầu chuỗi ngày suy thoái khi hoạt động chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản.

Đỉnh cao năm 2014, OGC báo lỗ sau thuế gần 2.548 tỷ đồng. Những năm sau đó, liên tục thua lỗ khiến tài sản Công ty "bốc hơi" mạnh, lỗ lũy kế ngốn gần hết vốn điều lệ. Trên sàn, cổ phiếu OGC cũng rơi, thậm chí có lúc chỉ còn 1.000 đồng/cp. Tương tự với OCH. Năm 2018, OGC bước sang giai đoạn mới khi nhóm cổ đông mới xuất hiện. Dù vậy, tranh chấp thương trần khiến Công ty vướng vào những lùm xùm xoay quanh tính pháp lý các phiên họp cổ đông, tư cách cổ đông của doanh nghiệp đại diện cho ông Hà Văn Thắm và những người liên quan.

Sau 2 năm bị phủ quyết, tất cả nội dung ĐHĐCĐ năm 2022 đã được 100% thông qua, đại diện của IDS Equity Holdings được bầu làm Chủ tịch OGC. Dưới trướng chủ mới, OGC lên kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, đặc biệt tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý, công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án khi có đủ điều kiện. 2022 là năm Công ty có lãi mỏng trở lại.

Sang 9 tháng đầu năm 2023, OGC lãi ròng 106 tỷ - tăng 160% so với cùng kỳ năm trước với tác động chính từ việc tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động tài chính và giảm mạnh chi phí quản lý.

Dù vậy, những “tồn đọng” vẫn chưa được xử lý. Tài sản ngắn hạn của công ty mẹ tại thời điểm cuối quý 3/2023 thấp hơn nợ ngắn hạn. Trước đó, trên BCTC riêng quý 2/2023 của OGC, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh tại ngày 30/6, tài sản ngắn hạn của công ty thấp hơn nợ ngắn hạn là gần 59,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. OGC giải trình tài sản ngắn hạn thấp chủ yếu là do các khoản dự phòng công nợ khó đòi, các khoản đầu tư từ những năm trước. Các khoản công nợ và tài sản này đã được chuyển ra theo dõi ngoại bảng trên BCTC của Công ty theo phê duyệt của ĐHĐCĐ.

Trong thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên đang thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phần, cổ phiếu. Các dự án bất động sản và công ty cũng đang tích cực thu hồi/bán các khoản công nợ phải thu bao gồm các khoản đã chuyển theo dõi ngoại bảng. Trong 6 tháng đầu năm, OGC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 44 tỷ đồng. Các khoản tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền gửi có kỳ hạn cũng tăng mạnh duy trì lên 600 tỷ đồng. Vì vậy Công ty đánh giá BCTC được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.

Theo Doanh nhân & Pháp luật


  • TAGS: