Thuế xăng tăng 1.000 đồng/lít: Vẫn phải cắn răng đổ xăng!

Dù thuế có tăng lên bao nhiêu thì người dân vẫn phải cắn răng sử dụng vì họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít từ 1/1/2019. Ảnh: TL.

Thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít từ 1/1/2019. Ảnh: TL.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục tăng từ chiều qua (21-9). Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ hai trong vòng một tháng qua.

Lần điều chỉnh giá này tuy theo chu kì điều hành giá xăng dầu nhưng lại trùng vào thời điểm Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có mặt hàng xăng với mức tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít.

Thuế môi trường đối với dầu diesel cũng tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.

Nói đi nói lại, dù cơ quan quản lý có đưa ra bất cứ một lý do gì đi nữa, tăng giá nghĩa là người dân lại phải móc thêm tiền để chi trả cho cuộc sống. Chưa kể đến, xăng dầu là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Dù thuế có tăng lên bao nhiêu thì người dân vẫn phải sử dụng vì họ không còn sự lựa chọn nào khác.

 

Theo lý giải của Bộ Tài chính, cơ quan tham mưu cho Chính phủ đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu từ ngày 1-1-2019, giá bán lẻ xăng của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả những nước có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại lớn hơn Việt Nam.

Lập luận này của Bộ Tài chính vẫn không thuyết phục được các chuyên gia kinh tế. TS Ngô Trí Long, người từng công tác tại Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu của các nước sẽ phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia, không nên đem ra để so sánh với những nước khác mà phải lấy giá thế giới làm cơ sở để đánh giá.

Ông Long cũng đặt vấn đề tại sao Bộ Tài chính cứ luôn lấy những quốc gia có giá bán cao hơn để so sánh mà không đặt trong tương quan với các nước có giá bán thấp hơn? Cùng với đó, cơ quan tham mưu đưa ra đề xuất đánh thuế với con số tuyệt đối (4.000 đồng/lít) là chưa phù hợp theo thông lệ quốc tế và không có lợi cho người tiêu dùng. Bởi giá xăng dù lên hay xuống, số thuế mà cơ quan quản lý thu được vẫn không thay đổi.

Đó là chưa kể người dân, chuyên gia vẫn hoài nghi về mục đích của việc tăng thuế có thực sự là để bảo vệ môi trường hay không, hiệu quả bảo vệ môi trường thực sự thế nào… Chính vì thế ngay tại phiên thảo luận về nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho bảo vệ môi trường, như thế người dân "mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác".

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết nếu điều chỉnh loại thuế này mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, là một nguồn lớn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu vẫn băn khoăn vì việc tăng thuế với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như xăng, dầu sẽ tác động tới giá cả đồng loạt trên thị trường.

Rõ ràng việc tăng thu thuế môi trường xăng dầu theo các chuyên gia có thể giúp tăng thu ngân sách trong trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho nền kinh tế. Do vậy, đáng lẽ nhà nước nên giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí cho nhiều doanh nghiệp, từ đó nhà nước sẽ thu được nhiều hơn từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường.

Theo PLO


  • TAGS: