Vạn Trường Phát: Kinh doanh thua lỗ, bị "bêu tên" dẫn đầu nợ vay trái phiếu doanh nghiệp

Kinh doanh thua lỗ triền miên, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát vẫn phát hành trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng - cao gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu và vừa bị Bộ Tài chính "bêu tên" trong danh sách dẫn đầu về nợ vay trái phiếu doanh nghiệp trong năm vừa qua.

Đứng đầu danh sách nợ vay trái phiếu doanh nghiệp

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát) phát hành trái phiếu  trị giá 10.000 tỷ đồng - cao gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu và vừa bị Bộ Tài chính "bêu tên" trong danh sách dẫn đầu về nợ vay trái phiếu doanh nghiệp trong năm vừa qua.

Đáng nói, tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu nghìn tỷ của Vạn Trường Phát là bất động sản liên quan và phát sinh từ khu đất 78 ha thuộc dự án Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và một số tài sản khác..

Một đơn vị thân quen với Vạn Trường phát là CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tổ chức tư vấn và phát hành cho các lô trái phiếu trên của Vạn Trường Phát. Trong khi đó, tổ chức nhận tài sản đảm bảo là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); tổ chức kiểm toán là Hãng kiểm toán và định giá ATC; Tổ chức tư vấn luật là Vina Legal.

Tại báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, để chào mời trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã “lách luật” để “hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày. Tư vấn cho ư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra mua hộ.

Trong số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2021, có tới 57 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, và 10 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.

Có tình trạng doanh nghiệp này phát hành trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, lấy tiền cho doanh nghiệp khác vay, hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng với một khách hàng, nhóm khách hàng.

Vạn Trường Phát mới được thành lập vào tháng 6/2019, đến nay công ty này chưa tròn 3 tuổi nhưng đã huy động khối lượng trái phiếu rất lớn như vậy. Từ đây, nhiều dấu hỏi về năng lực thực sự của Vạn Trường Phát lại được đặt ra!

Kinh doanh thua lỗ triền miên

Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát được thành lập vào tháng 6/2019, tiền thân là Công ty Cổ phần Star Zone đặt trụ sở tại tầng 2, toà nhà CT Office Building, 56 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý, tư vấn bất động sản.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu ở mức 320 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bà Nguyễn Kiều Lệ (chiếm 55% vốn), bà Huỳnh Bảo Vy (30% vốn) và ông Vương Tuấn Minh (15% vốn).

Cuối tháng 5/2021, Vạn Trường Phát đã tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Kiều Lệ (SN 1988) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Trong năm 2019 và 2020, doanh thu Vạn Trường Phát đều là 0 đồng. Hoạt động bán hàng không phát sinh khi cũng chỉ đạt 0 đồng. Cũng ngay trong năm đầu tiên thành lập, Vạn Trường Phát đã lỗ 105 triệu đồng và con số này nâng lên 165 triệu đồng trong năm 2020.

Ngoài doanh thu 0 đồng và thua lỗ 2 năm liên tiếp, cuối năm 2020, nợ phải trả của công ty là 2.724 tỷ đồng - cao gấp 8,5 lần vốn chủ sở hữu. Sang năm 2021, sau khi tăng vốn từ 320 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, Vạn Trường Phát tăng tốc vay qua kênh trái phiếu.

Như vậy, lũy kế đến nay, doanh nghiệp đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, cao gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu bất chấp thua lỗ 2 năm liên tiếp.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 1/6 vừa qua, Chính phủ nhấn mạnh việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Trước đó, để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững và hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ quy định pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biễn thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành...

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng: Khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng... 

Theo Thái Bình/Tài chính doanh nghiệp


  • TAGS: