Với sự phát triển của thương mại điện tử, những sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng dày đặc, tràn lan, và bất chấp hậu quả. Đây không chỉ là câu chuyện từ doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà còn từ lợi ích cá nhân và chủ nghĩa vị kỷ của người có sức ảnh hưởng - “influencer”.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử...

Thương mại điện tử là một trong những nhân tố đóng góp quan trọng cho nền kinh tế số, là lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 được dự báo ở mức khoảng 29%.

Năm 2020 là năm khởi đầu cho giai đoạn vàng của thương mại điện tử. Đây là cột mốc đánh dấu quá trình chuyển đổi từ nhận thức sang hành động của các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Quá trình này tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ truyền thống mở rộng thị phần, gia tăng doanh số, hướng đến thay đổi hành vi tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng mạng xã hội để tương tác với khách hàng và xây dựng mạng lưới cộng đồng số. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM, 2020) ghi nhận 39% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có sử dụng kênh bán hàng này vì có chi phí thấp, dễ dàng tương tác, cũng như để quảng bá hình ảnh.

'Sạn' quảng cáo ảnh 1

Hình ảnh quảng cáo và sản phẩm thực tế. Ảnh minh họa: NAVA

Kênh bán hàng thông qua mạng xã hội được khoảng 40% các doanh nghiệp đánh giá là công cụ hiệu quả nhất, tiếp đến là bán hàng thông qua website (26%), ứng dụng di động (20%), và các sàn thương mại điện tử (19%).

Xu hướng này cũng dẫn đến hoạt động quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội trở nên sôi động, đặc biệt là thông qua những người có sức ảnh hưởng “influencer” hoặc người dẫn dắt dư luận chủ chốt (Key Opinion Leader - KOL). Các doanh nghiệp tìm đến sự chứng thực từ “influencer” để thu hút, gia tăng mức độ lan tỏa đến người tiêu dùng.

Sự chứng thực từ “influencer” hay KOL thường được biết đến bởi các thương hiệu lớn, dễ dàng nhận ra, như trường hợp của Nike, Adidas, Puma với các vận động viên thể thao nổi tiếng. Họ sử dụng những sản phẩm này trong quá trình thi đấu, luyện tập, và hoạt động xã hội. Một góc độ khác, các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng có thể tìm đến “influencer” từ mạng xã hội, với kỳ vọng gia tăng mức độ uy tín, khả năng nhận diện thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ.

… và “sạn” quảng cáo của “influencers”

Gần đây, hàng loạt quảng cáo của “influencer” về mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, tiền mã hóa, ứng dụng cá cược, v.v. đã bị công đồng mạng lên án. Nguyên nhân đến từ các thông tin sản phẩm và dịch vụ không chính xác, có xu hướng thổi phồng giá trị và công năng, không xác định rõ nguồn gốc, thậm chí là trái pháp luật, như việc quảng cáo tiền mã hóa, ứng dụng cá cược.

Liệu “influencer” có thật sự đã sử dụng và hiểu hết đặc điểm của sản phẩm, dịch vụ họ quảng cáo? Hay vì lợi ích cá nhân nào khác?

“Influencer” có thể bị lợi dụng bởi một số nhà cung cấp, hay tiêu cực hơn, mục đích họ thực hiện quảng cáo chỉ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp hậu quả và mối nguy hại cho sức khỏe, tài sản, và hành vi tiêu dùng của cộng đồng.

“Rao bán niềm tin” là cụm từ được nhắc đến gần đây, và có lẽ phù hợp trong bối cảnh này. Cần phải tách biệt rõ khái niệm người hâm mộ và người tiêu dùng, một số “influencer” có lẽ đã lợi dụng niềm tin của người hâm mộ cho mục đích cá nhân, biến nhóm đối tượng này trở thành người tiêu dùng kém thông thái, một hiệu ứng bầy đàn xuất hiện.

'Sạn' quảng cáo ảnh 2

Nhiều nghệ sĩ khiến khán giả bức xúc vì quảng cáo sản phẩm kém chất lượng...

Xu hướng trên đang cho thấy các “influencer” biến những thương hiệu kém chất lượng trở thành đạo cụ trong một vai diễn xuất sắc, và cũng có thể những đạo cụ này đang được soi rọi dưới ánh đèn, hào quang sân khấu mà quên đi bản chất của từng lĩnh vực, ngành nghề.

Cái giá phải trả sẽ rất khác, một kịch bản hay kết hợp với khả năng diễn xuất giỏi ở khía cạnh văn hóa, nghệ thuật thể có thể giúp “influencer” nhận được tán thưởng và trân trọng từ người hâm mộ. Nếu vai diễn ấy áp dụng cho quảng cáo kém chất lượng thì hậu quả sẽ khôn lường, phải đánh đổi cho những gì đã cống hiến cả sự nghiệp.

Rao bán niềm tin để nhận lại lợi ích ngắn hạn và gây nguy hại cho cộng đồng, đây liệu có phải là sự đánh đổi đắt giá? Cần phải thừa nhận rằng xu hướng lan tỏa từ những tiêu chuẩn, văn hóa, cách sống mà “influencer” áp dụng có thể định hình và thay đổi những giá trị đạo đức, chuẩn mực và hành vi trong xã hội.

Đừng bao giờ để chính mình trở thành một sản phẩm kém chất lượng, đó cũng là khi vai trò người tiêu dùng ở góc độ người hâm mộ sẽ thực thi, và đào thải những sản phẩm này, thậm chí người thực hiện quảng cáo phải đối diện với pháp luật.

Hãy để người hâm mộ tiếp tục trân trọng tài năng, sức sáng tạo và những đóng góp của “influencer” trong lĩnh vực nghệ thuật, và sự lan tỏa những chuẩn mực văn hóa đến cộng đồng. Đừng để giá trị ấy bị bào mòn chỉ vì lợi ích cá nhân với tầm nhìn ngắn hạn.

Để đào thải “sạn” quảng cáo, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất chính là phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức, dám lên án và sẵn sàng từ bỏ niềm tin với influencer.

Theo Đầu tư tài chính


  • TAGS: