Bình Dương: Vấn nạn huy động vốn trái phép bao giờ được xử lý triệt để?

Dù được coi là thị trường mang nhiều tiềm năng với sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn, cái đang cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) Bình Dương chính là loạt dự án huy động vốn trái phép nơi đây.

La liệt "hạt sạn" trên thị trường bất động sản

Theo Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS, điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định như sau: “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Trước khi bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai thì phải có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước cấp tỉnh về việc nhà đủ điều kiện bán, cho thuê mua”.Tuy nhiên, trên thực tế không ít doanh nghiệp bất chấp quy định pháp luật để huy động vốn trái phép.                                                               

Đơn cử trong số này phải kể đến dự án Đại Phước Molita tại đường Thiếu Niên 3, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương do Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Đất Thành (thành viên của Đại Phước Group) làm chủ đầu tư. Dự án được giới thiệu có tổng diện tích 93.672m2, cung ứng cho thị trường 435 lô đất gồm 40 lô biệt thự, 60 lô Shophouse và 335 nhà liền kề.

Dự án Đại Phước Molita chưa được Sở Xây dựng cho phép huy động vốn nhưng chủ đầu tư đã vội thu tiền của khách hàng

Dự án được chủ đầu tư cùng đơn vị phân phối là Công ty Cổ Phần Đại Phước Homes rao bán và nhận tiền ồ ạt từ khách hàng. Theo tìm hiểu, Đại Phước Molita vẫn chưa được Sở Xây dựng cấp văn bản cho phép mở bán.

Tương tự, tại Khu đô thị Huỳnh Tiến Phát Residential là dự án đất nền, nhà ở được quy hoạch trên tổng diện tích 3,2 ha tại xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Dự án do Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng BĐS Huỳnh Tiến Phát làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Xây dựng Đầu tư BĐS Nam Thái Bình Dương là đơn vị phân phối dự án, cả 2 Công ty trên đều thuộc tập đoàn Huỳnh Gia.

Bất chấp dịch bệnh, nhân viên của tập đoàn Huỳnh Gia vẫn tập trung “mị” khách xuống tiền tại dự án Huỳnh Tiến Phát Residential

Tận mục sở thị, Huỳnh Tiến Phát Residential chưa có dấu hiệu hoàn thành những hạng mục hạ tầng cơ bản, chưa đủ điều kiện mở bán lại đang ngay trong thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng việc rao bán, kí kết giao dịch, huy động vốn trái phép vẫn diễn ra công khai trên các sàn giao dịch bất động sản cũng như từ chính đội ngũ kinh doanh của tập đoàn Huỳnh Gia.

Hay như dự án Khu nhà ở Đức Phát 3 tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng do Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Đức Phát làm chủ đầu tư, dù chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, pháp lý còn dang dở nhưng đã tiến hành thu tiền của khách hàng hàng trăm triệu đồng.

Chế tài xử phạt đã đủ, cần xử lý triệt để

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh về chế tài để xử lý việc đặt cọc giữ chỗ tại các dự án nhà ở khi đầu tư chưa đủ điều kiện, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Khoản 5, Điều 8 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì một trong các hành vi bị cấm là: Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.

Khoản 6 Điều 26 của Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có trách nhiệm: Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng kinh doanh sản phẩm của dự án, bàn giao nhà ở và các giấy tờ liên quan đến nhà ở giao dịch cho khách hàng; thực hiện giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở và kinh doanh quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, cũng theo Bộ Xây dựng tại Khoản 1 Điều 179 của Luật Nhà ở 2014 đã  quy định: Người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với việc ký kết hợp đồng đặt cọc, mà không nhằm mục đích huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo Bộ này quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, thì thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Thực trạng dự án Khu nhà ở Đức Phát 3 chưa hoàn thành hạ tầng nhưng chủ đầu tư cùng các đơn vị phân phối đã tung ra thị trường với tên The Sun, Dream City

Tại Bình Dương, nhiều dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng lại nhận tiền đặt cọc của khách hàng. Việc huy động vốn này thường núp dưới dạng “hợp đồng đặt cọc giữ chỗ”, “hợp đồng góp vốn”, “đặt cọc ưu tiên”… có khi lên đến 20-30% giá trị căn hộ. Trên thực tế, không ít trường hợp chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vào cuộc xử lý nghiêm minh trường hợp “nhờn luật”, siết chặt công tác quản lý đối với việc đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản tại các dự án để hạn chế tình trạng nêu trên gây ra những hệ lụy khó lường cho thị trường bất động sản Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung.

Theo Kinh doanh và Biên mậu


  • TAGS: