Khoa Truyền thông và Thiết kế (Đại học RMIT) và Mindshare Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao năng lực học tập cũng như trải nghiệm cho sinh viên ngành sáng tạo trong quá trình theo học tại RMIT.
Hai bên vui mừng với hợp tác vừa được thỏa thuận
Trong những năm gần đây, Đại học RMIT thường xuyên hợp tác với Mindshare và các công ty trực thuộc Group M và WPP(những tập đoàn hàng đầu thế giới về truyền thông và quảng cáo) thông qua các hoạt động như thực tập, đào tạo và diễn giả khách mời.
Với hơn 6.000 nhân viên trên 82 quốc gia, Mindshare là công ty toàn cầu đầu tiên được WPP thành lập vào năm 1997, chuyên cung cấp giải pháp truyền thông và marketing cho các thương hiệu. Đơn vị này dùng phương thức sáng tạo và công nghệ để quảng bá hình ảnh cũng như việc kinh doanh của khách hàng.
Giám đốc Mindshare Việt Nam Shankar Rajagopal chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng rằng yếu tố quan trọng góp phần vào vị thế hàng đầu của mình trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo chính là nguồn nhân lực tài năng ở Việt Nam, cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới.
Với phương châm này, Mindshare quyết định hợp tác với RMIT nhằm giúp đào tạo ra những nhân sự tốt nhất trong lĩnh vực báo chí và truyền thông cho tương lai ngành quảng cáo Việt Nam. Việc giáo trình học song hành cùng trải nghiệm thực tế chuyên sâu sẽ cho ra trường những nhân viên ưu tú – những người sẵn sàng bắt tay vào làm việc ngay từ ngày đầu tiên”.
Trong khuôn khổ dự án tốt nghiệp năm cuối, qua hàng loạt yêu cầu công việc từ khách hàng, sinh viên sẽ được trang bị sẵn sàng cho môi trường làm việc thật sự.
Bên cạnh các dự án trong lớp học, sinh viên sẽ tự tích lũy được kinh nghiệm từ năng lực lên kế hoạch truyền thông cũng như phương pháp phân tích xuất sắc của Mindshare qua các chuyến tham quan văn phòng làm việc, các buổi hội thảo, chia sẻ từ khách mời và các hoạt động ứng dụng bản chất của chơi game vào suốt quá trình học.
Giám đốc phụ trách nhãn hàng Unilever của Mindshare Việt Nam, ông Sudarshan Saha cho biết: “Cách mạng công nghiệp đã và đang thay đổi quá trình mua sắm của người tiêu dùng. So với trước đây, quá trình này không còn là một đường thẳng đơn thuần, nên chúng ta phải học cách sử dụng dữ liệu để kết nối thương hiệu với khách hàng theo cách giúp tăng thêm giá trị cho cuộc sống của họ”.
Theo Giáo dục thời đại