SAMCO: Công ty con doanh thu khủng - lợi nhuận “nhỏ giọt”, vì sao?

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 9 công ty con (100% vốn Nhà nước) thuộc Tổng Công ty Giao thông vận tải cơ khí Sài Gòn (SAMCO) đạt 176,8 tỷ đồng, tương đương 20% lợi nhuận trước thuế của Tổng Cty. Đây được xem là con số quá khiêm tốn so với quy mô, kỳ vọng và nguồn vốn ngân sách đã đầu tư vào các Cty nói trên.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu SAMCO đạt 10.081,058 tỷ đồng, chỉ đạt 40% so với kế hoạch đề ra năm 2018, LNTT đạt 875 tỷ đồng.

Doanh thu ngàn tỷ, lợi nhuận 1%

Trong đó, doanh thu thuần 6 tháng 2018 đạt 2.454 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 312 tỷ đồng, tăng trưởng 40%. Sự tăng trường này ghi nhận đóng góp to lớn của khối Cty liên doanh, liên kết với lợi nhuận 203,8 tỷ đồng. Đồng thời thể hiện bộ mặt bạc nhược của các công ty con mà SAMCO đầu tư 100% vốn (100% vốn Nhà nước) và nắm quyền chi phối, điều hành hoạt động.

Cụ thể, LNTT của 9 công ty (bao gồm 7 đơn vị trực thuộc và 2 Cty đầu tư 100% vốn) chỉ đạt 176,8 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty (tính cả liên doanh) đạt 875 tỷ đồng. Như vậy, trong nửa đầu năm 2018 lợi nhuận của các công ty 100% vốn nhà nước chỉ chiếm gần 20% của Tổng công ty.

Đặc biệt, khối thương mại - dịch vụ (khối chủ lực của Samco), doanh thu 6 tháng đạt 2.592 tỷ đồng nhưng LNTT chỉ có 25,8 tỷ đồng, tương ứng có 1%. Điển hình là Toyota Bến Thành, doanh thu lên đến 1.067 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ 10 tỷ đồng, chiếm 1%. Đây rõ ràng là dấu hiệu “hụt hơi” đáng báo động dành cho SAMCO trong thời gian tới.

Vì đâu nên nỗi?

Giải thích cho những khó khăn chung trong điều kiện kinh doanh của đơn vị, trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, SAMCO cho biết, những tác động của Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018 và điều kiện nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bị siết chặt dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp xe từ các hãng sản xuất, cộng với tâm lý ưa chuộng xe nhập khẩu, chờ đợi giá xe giảm của khách hàng…dẫn đến các đơn vị rơi vào tình trạng kinh doanh đều rất khó khăn. Do đó, việc công ty mẹ chỉ đạt 39% doanh thu và 40% lợi nhuận so với kế hoạch cả năm đã đặt ra áp lực rất lớn cho 6 tháng cuối năm 2018.

maxresdefault

Cty con doanh thu ngàn tỷ nhưng lợi nhuận chỉ khiêm tốn ở mức 1%, đang là cơn đầu của SAMCO? (Ảnh minh họa)

 

Tuy nhiên, Chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, việc doanh thu khủng nhưng lợi nhuận siêu nhỏ của các doanh nghiệp nhà nước như còn tồn đọng tại SAMCO hiện nay là do ảnh hưởng từ năng lực quản lý chi phí không tốt. Bởi, các doanh nghiệp nhà nước thường hoạt động không hiệu quả khiến các chi phí hoạt động, chí phí lao động, chi phí hàng hóa lớn… Những điều này khiến cho doanh thu dù rất lớn nhưng không có lợi nhuận cao thậm chí là lỗ. Vì thế, doanh thu chỉ là chỉ tiêu tài chính chứng tỏ doanh nghiệp bán được bao nhiêu sản phẩm chứ không nói lên được hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.

Nói về thực trạng kinh doanh của các Cty Nhà nước, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi từ Chính phủ về quỹ đất, nguồn vốn, thủ tục hành chính… thứ mà doanh nghiệp khác không có. Tuy nhiên, hầu hết các Cty Nhà nước hiện nay vẫn không thể kinh doanh hiệu quả hơn và thậm chí thua xa các Cty liên doanh và tư nhân.

“Nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh yếu kém là do họ lại ỷ thế vào những lợi thế, ưu đãi có được nên không có sự cố gắng, cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, ban quản lý của các doanh nghiệp này cũng chay ì, không chạy theo chỉ tiêu lợi nhuận, không có xu hướng cắt giảm chi phí, chi tiền vô tội vạ, không rõ mục đích. Thậm chí, nhiều công ty còn phải lấy ngân sách bù lỗ” - ông Hiếu nói.

Chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu: “Cần cổ phần hóa 100% để nâng cao hiệu quả!”

Với thực tế “cha chung không ai khóc”, việc để càng nhiều công ty 100% vốn nhà nước hoạt động càng không có hiệu quả và gây nhiều hao tổn, thâm hụt cho không chỉ một doanh nghiệp mà còn tác động đến nền kinh tế mà SAMCO là một điển hình. Việc nắm giữ nhiều công ty chủ chốt tại Sài Gòn liên quan đén giao thông vận tải, cơ khí,…thì năng lực kinh doanh của đơn vị này có sức ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung.

“Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đều kinh doanh kém hiệu quả. Cần cổ phần hóa nhanh, nếu được cổ phần 100% luôn chứ không cần giữ tỷ lệ nhà nước. Trừ những ngành liên quan đến quốc phòng, an ninh thì nhà nước mới nên giữ lại tỷ lệ kiểm soát, khống chế. Còn lại các lĩnh vực thương mại thì không cần góp vốn và có cổ phần. Cái gì tư nhân làm được hãy giao cho tư nhân để nền kinh tế trở thành nền kinh tế thị trường thực thụ và tăng hiệu quả cho chính các doanh nghiệp đó” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Hiện nay cần đẩy mạnh ủng hộ việc cổ phần hóa các Cty Nhà nước để doanh nghiệp tư nhân “nhảy vào” thay đổi năng lực kinh doanh, nâng cao hiệu quả. Vì khi tiền túi họ bỏ ra thì khả năng cạnh tranh sẽ lớn hơn, trách nhiệm hơn, bớt đi những khoản chi vô lý. Mặt khác, tính cạnh trạnh trong kinh doanh của toàn nền kinh tế sẽ hiệu quả và công bằng hơn.


Theo  Võ Nguyễn - Kim Ngọc/Người tiêu dùng


  • TAGS: