Công ty của bầu Đức lỗ ròng gấp 3 lần sau soát xét

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2018 với con số lỗ ròng lên đến gần 35 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với báo cáo tự lập trước đó.

Theo báo cáo soát xét, doanh thu thuần HAGL nửa đầu năm 2018 đạt gần 2.915 tỷ đồng, giảm nhẹ so với báo cáo tự lập, trong khi đó giá vốn lại tăng cao hơn, lên mức 1.486 tỷ đồng. Lãi gộp HAGL đạt 1.428 tỷ đồng, giảm 24 tỷ so với trước soát xét.

Doanh thu tài chính không thay đổi nhiều nhưng chi phí tăng lên gần 40 tỷ đồng. Một vài khoản mục chi phí khác của HAGL giảm nhẹ sau soát xét như chi phí quản lý, chi phí bán hàng và cả khoản lỗ khác cũng giảm.

Song, kết quả cuối cùng HAGL vẫn lỗ ròng gần 35 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng so với con số lỗ 11 tỷ đồng trước kiểm toán.

Cong ty cua bau Duc lo rong gap 3 lan sau soat xet hinh anh 1

Công ty của bầu Đức đang bị nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục. 

Cũng tại BCTC soát xét, kiểm toán nêu ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khác của HAGL từ CTCP Đầu tư bất động sản An Phú và các bên liên quan tổng giá trị hơn 11.258 tỷ đồng. Dựa vào thông tin hiện có, kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi 5.601 tỷ đồng trong tổng số dư trên.

Kiểm toán cũng nhấn mạnh tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn HAGL đã vượt tài sản ngắn hạn gần 5.429 tỷ đồng. Ngoài ra, HAG đã vi phạm một số điều khoản vay và trái phiếu. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL

Thời điểm cuối quý II/2018, dư nợ vay ngắn và dài hạn của HAG hơn 23.161 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Theo dữ liệu tại báo cáo tài chính HAGL, đến cuối tháng 6 vừa qua, tập đoàn này có 7.635,1 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, sụt giảm 1.180 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đã lên tới 1.371 tỷ đồng, tăng 253 tỷ đồng. Ngược lại, tài sản dài hạn lại tăng hơn 3.189 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả của HAGL trong nửa đầu năm đã tăng 1.380 tỷ đồng lên 36.654 tỷ đồng. Riêng nợ ngắn hạn là 13.064 tỷ đồng.

Với những khó khăn trên, đầu năm nay bầu Đức đã tìm đến tỷ phú USD Trần Bá Dương. Ngay sau đó, với việc bơm 20.000 tỷ đồng vào HAGL, tỷ phú USD Trần Bá Dương chính thức bắt tay bầu Đức trên nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp đến bất động sản.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết theo cam kết thỏa thuận đầu tư, cá nhân ông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cơ cấu toàn diện HAGL, trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Ông sẽ thực hiện 3 giải pháp đồng bộ, là ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp theo lộ trình; quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của HAGL. Tổng vốn đầu tư tiếp ước khoảng 12.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thaco và Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Không lâu sau khi Thaco tham gia tái cơ cấu, HAGL đã bắt đầu “thay máu” nhân sự cấp cao tại HAGL Agrico. Cụ thể, Hội đồng quản trị của công ty đã nhận được đơn từ nhiệm 2 thành viên HĐQT vào các ngày 7 và 10/8 là ông Đoàn Nguyên Thu và ông Nguyễn Ngọc Ánh. HĐQT cũng nhận đơn từ nhiệm thành viên Ban Kiểm soát của bà Nguyễn Thị Hải Yến vào ngày 6/8.

Hiện HNG chưa công bố ứng cử viên tham gia vào HĐQT công ty nhưng nhiều khả năng đại diện đến từ Thaco sẽ góp mặt vào đội ngũ lãnh đạo công ty của bầu Đức sau đợt ký kết hợp tác.

Theo Zing


  • TAGS: