Tập đoàn Hoa Lâm đang nắm những gì ở Vietbank?

Sau khi bầu Kiên rút lui khỏi Vietbank, nhóm cổ đông đến từ Tập đoàn Hoa Lâm đang một mình một ngựa thâu tóm nhà băng này.

Vietbank được những người mang họ ACB sáng lập.

Từ cái nôi ACB

Vietbank có tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm được thành lập theo quyết định số 2391/QĐ-NHNN vào ngày 14/12/2006. Vietbank có trụ sở chính và địa bàn hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 2/2/2007, Vietbank khai trương chi nhánh đầu tiên tại số 35 Trần Hưng Đạo, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, đây cũng là hội sở của Vietbank. Đến ngày 18/2/2009, Vietbank khai trương chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM. Hiện tại, ngân hàng này có 112 điểm giao dịch trên khắp cả nước.

Trải qua 5 lần tăng vốn, hiện tại vốn điều lệ của Vietbank là 4.190 tỷ đồng, tương đương 419 triệu cổ phiếu. Cũng như hàng loạt ngân hàng khác như VietABank, Eximbank, DaiABank, KienLongBank, ngân hàng này cũng được những người mang họ ACB sáng lập.

Cụ thể, Ngân hàng ACB mà đại diện là ông Nguyễn Đức Kiên và gia đình, nhóm cổ đông đến từ Tập đoàn Hoa Lâm, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Diệu Hiền là 3 cổ đông sáng lập Vietbank.

Bước sang năm 2019, nhóm bầu Kiên đã thoái lượng lớn cổ phần của Vietbank. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thông báo đã hơn 6,6 triệu cổ phiếu Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank), tương đương 2,035% vốn điều lệ trong thời gian 6/12/2018 đến 6/1/2019.

Ngoài bầu Kiên bán cổ phần của Vietbank, ông Đặng Công Minh (bố vợ ông Kiên) và bà Nguyễn Thị Kim Thanh (mẹ vợ ông Kiên) cũng đã bán ra tổng cộng hơn 6,4 triệu cổ phần trong tổng số 7,4 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch của nhà băng này.

3 thành viên khác trong gia đình bầu Kiên là bà Nguyễn Thúy Lan (em ruột của bầu Kiên), ông Đào Văn Kiên (chồng của bà Nguyễn Thúy Lan) và bà Nguyễn Thúy Hương (chị gái bầu Kiên) cũng thoái lần lượt 2,05%, 1,93% và 2,02% vốn của Vietbank.

Hiện tại, chỉ còn bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) đang sở hữu gần 15 triệu cổ phần, tương ứng 3,65% vốn điều lệ của Vietbank. Tuy nhiên, bà Lan đã rút lui khỏi Thành viên Hội đồng quản trị Vietbank từ 18/1/2019 nên việc bà Lan bán hết hay còn nắm cổ phiếu Vietbank là điều rất khó định đoán, bởi bà Lan không còn nằm trong diện phải công bố thông tin khi bán cổ phần.

Quay ngược về lịch sử, Vietbank được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Khi đó, cổ đông sáng lập là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu và Công ty Diệu Hiền.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm trước đây là Công ty Cổ phần Ô tô Xe máy do ông Dương Ngọc Hòa sáng lập. Hiện tại, ông Hoà là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank. Ông Hoà cũng từng là Giám đốc Tập đoàn Hoa Lâm. Hiện tại, vợ ông Hoà là bà Trần Thị Lâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Lâm.

Hai vị trí cao nhất ở Vietbank là người của Tập đoàn Hoa Lâm.

Trong khi đó, nhóm Ngân hàng ACB được biết đến là ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng ACB và vợ là bà Đặng Ngọc Lan, nguyên Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng ACB tham gia góp vốn lập Vietbank.

Còn Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Diệu Hiền là cái tên gắn với nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền. Bà Hiền là con nợ hàng nghìn tỷ đồng hơn 10 ngân hàng, nông dân… Hiện tại, không có thông tin chính thức nào về tỷ lệ sở hữu của Công ty Diệu Hiền tại Vietbank.

Hiện tại, nhóm bầu Kiên bán hết cổ phần ở Vietbank thì nhóm cổ đông liên quan đến Hoa Lâm vẫn hiện diện tại Vietbank, gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Dương Nhất Nguyên…

Hoa Lâm nắm những gì?

Ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank sinh ngày 19/10/1956. Giai đoạn 1999-2005, ông Hòa làm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Lâm. Dù đến ngày 14/12/2006, Vietbank mới có giấy phép thành lập nhưng từ tháng 9/2006, ông Hòa đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank.

Tại 30/6, ông Hòa đang sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu Vietbank, chiếm 4,55% vốn điều lệ. Bà Trần Thị Lâm, vợ ông Hòa nắm gần 8,5 triệu cổ phần Vietbank, tương đương 2,027% vốn điều lệ. Bà Dương Mai Anh, con gái ông Hòa nắm 8,832 triệu cổ phần Vietbank, chiếm 2,1% vốn điều lệ. Một người con gái khác của ông Hòa là bà Dương Bảo Anh cũng nắm 7,126 triệu cổ phần Vietbank, chiếm 1,7% vốn điều lệ.

Riêng con trai của ông Hòa là Dương Nhất Nguyên đang nắm chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank. Ông Nguyên sinh ngày 21/10/1983, có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Từ năm 2005 đến 2013, ông Nguyên công tác tại Tập đoàn Hoa Lâm với nhiều vị trí khác nhau như nhân viên, Giám đốc đầu tư…

Tòa nhà Lim II là trụ sở của Tập đoàn Hoa Lâm và cũng là chi nhánh của Vietbank.

Năm 2013, ông Nguyên về Vietbank và đảm nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng Giám đốc. Từ 31/5/2016 đến 9/8/2017, ông Nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng Giám đốc Vietbank. Còn từ 10/8/2017 đến nay, ông Nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện tại, ông Nguyên đang nắm giữ 12,8 triệu cổ phần Vietbank, tương đương 3,055% vốn điều lệ.

Mối liên hệ giữa Hoa Lâm và Vietbank còn thể hiện ở hàng loạt bất động sản của Hoa Lâm được Vietbank thuê lại làm trụ sở. Điển hình là ngày 30/12/2016, Vietbank thuê cao ốc số 90 Cao Thắng, quận 3 của vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa để làm phòng giao dịch, với giá gần 190 triệu đồng/tháng, tới ngày 31/12/2022 mới hết hợp đồng.

Mối liên hệ giữa Hoa Lâm và Vietbank sẽ còn nói đến rất nhiều nếu nhìn vào sự kiện ngày 17/12/2018, vốn điều lệ của Vietbank tăng lên hơn 4.256 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn được Hội đồng quản trị Vietbank công bố là dành 507 tỷ đồng để kinh doanh, đầu tư trái phiếu, duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, dành 500 tỷ đồng để mua tòa nhà Lim II tại số 62A Cách Mạng Tháng Tám, phường 6, quận 3, TP.HCM. Điều đáng nói, giá mua tòa nhà Lim II mà Vietbank công bố là 1.400 tỷ đồng. Ngày 31/5/2018, Vietbank và Chợ Đũi đã ký hợp đồng đặt cọc. Trong vòng 12 tháng hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng dự án.

Dấu hỏi lớn ở đây là cơ sở nào Vietbank đưa ra giá mua 1.400 tỷ đồng khi trong bản cáo bạch phát hành cổ phiếu, ngân hàng không đề cập đến căn cứ định giá cho tòa nhà này.

Tòa nhà Lim II do Công Ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chợ Đũi làm chủ đầu tư. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, Tập đoàn Hoa Lâm đã chuyển 1% vốn sở hữu tại Chợ Đũi sang cho Công ty TNHH Lương Thạch, còn lại Công ty TNHH Bất động sản Nhất Khang sở hữu 99% vốn điều lệ.

Cả hai công ty này đều có cùng trụ sở tại Tòa nhà Lim I, số 2 Thi sách, phường Bến Nghé, quận 1. Trước đây bà Trần Thị Lâm từng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Chợ Đũi. Còn hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chợ Đũi là bà Nguyễn Thị Kim Phượng.

Đáng chú ý, Tòa nhà Lim I cũng chính là địa chỉ của nhiều doanh nghiệp do ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp, sinh năm 1994 làm Chủ tịch Hội đồng quản trị như Công ty Cổ phần Đầu Tư THT Phú Trí, Công ty TNHH Đầu tư 29A Phú Trí, Công ty TNHH Đầu tư NDC Phú Trí, Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Trí.

Điều trùng hợp, ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp sinh năm 1994 cũng chính người đã chi 66 tỷ đồng mua cổ phần phát hành của Vietbank vào ngày 17/12/2018.

Tuyết Hương/Theo Cung Cầu


  • TAGS: