TP Hồ Chí Minh: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm vụ Hưng Lộc Phát xây lậu 110 căn biệt thự

Đó là phát biểu của Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021)

Vi phạm trật tự xây dựng gia tăng

Ngày 13/7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021) tiếp tục diễn ra với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, nêu vấn đề nhiều chủ đầu tư xây xong chung cư, bán cho dân, nhưng trước đó đã đem giấy tờ thế chấp tại ngân hàng. Vậy việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người dân thế nào? Đối với phí bảo trì chung cư ai quản lý, khi tranh chấp ai giải quyết?

Còn đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, nêu tình trạng xây dựng không phép, sai phép còn diễn biến phức tạp. Tại báo cáo 6 tháng đầu năm 2019, thể hiện TP ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.136/1.640 trường hợp vi phạm (tăng 37,6% so với cùng kỳ), trong đó xây dựng không phép là 616/1.640 trường hợp, sai phép 619/1640 trường hợp. Các trường hợp vi phạm chủ yếu tập trung, kéo dài ở một số quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân.

Từ đó đại biểu Nhung hỏi tại sao tình trạng xây dựng trái phép, không phép lại tập trung ở những địa bàn nêu trên? Phải chăng bất cập về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch? Đối với vụ Tập đoàn Hưng Lộc Phát “xây lậu” 110 căn biệt thự ở quận 7, ai chịu trách nhiệm, xử lý ra sao?

110 căn biệt thự do Tập đoàn Hưng Lộc Phát xây lậu tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh) khiến dư luận bức xúc.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho rằng việc các chủ đầu tư sau khi làm thủ tục khởi công công trình, đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng, tình trạng này diễn ra khá nhiều ở TP Hồ Chí Minh. Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân hàng, phải làm thủ tục cấp giấy nhận cho người dân. “Chúng tôi sẽ làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện thống kê và sẽ đưa ra các giải pháp. Vì đây là vấn đề khó. Đối với quỹ bảo trì chung cư, do ban quản trị nhà quản lý được giám sát bởi tổ dân phố, chính quyền địa phương thông qua hội nghị nhà chung cư”, ông Lê Hòa Bình trả lời.

Sai phạm trong xây dựng chủ yếu do đầu nậu, cò đất

Về các câu chất vấn của đại biểu Tuyết Nhung, đặc biệt vụ xây lậu 110 căn biệt thự, ông Lê Hòa Bình cho rằng Sở Xây dựng đã báo cáo Chủ tịch UBND TP và UBND TP đã họp, kết luận yêu cầu Sở Xây dựng, Sở TN&MT và UBND quận 7 kiểm tra. Dự án này đã được chấp thuận đầu tư, được phê duyệt quy hoạch, thẩm định thiết kế.

“Vi phạm của dự án xảy ra trong giai đoạn thực hiện đầu tự dự án và chủ đầu tư được bổ sung thủ tục pháp lý trong vòng 60 ngày. Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng. Tôi xin nhận trách nhiệm, sẽ kiểm tra lại toàn bộ quá trình đầu tư, thi công dự án theo chỉ đạo của UBND TP”, ông Bình trả lời.

Liên quan đến nhà ở chung cư, đại biểu Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế, chất vấn đối với những nhà chung cư chưa được nghiệm thu, nhưng chủ đầu tư vẫn đưa người mua nhà vào ở, phải xử lý ra sao? Ông Lê Hòa Bình trả lời: “Các chung cư chưa nghiệm thu nếu đưa dân vào ở tất nhiên không đúng quy định. Nhưng khi dân đã vào ở rồi, sẽ có hướng khắc phục. Ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, cơ quan chức năng còn yêu cầu phải nộp phạt”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng tình trạng xây dựng không phép, trái phép do đầu nậu, cò đất gây ra

Khi được Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải yêu cầu trả lời về những vụ cố tình vi phạm pháp luật trong xây dựng. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết đối với vấn đề xây dựng không phép, trái phép gây mất trật tự xây dựng trên địa bàn TP trong thời gian qua, trong các báo cáo của UBND và HĐND TP đã nêu có cái của Nhà nước, có cái của DN, có cái của người dân. Đại đa số người dân chấp hành tốt vấn đề trật tự xây dựng. Chỉ có 2 nhóm trong quá trình sang nhượng đất đã cố tình vi phạm trật tự xây dựng là đầu nậu và cò đất.

“Thứ nhất, đất không có giấy tờ nên không thể xin phép xây dựng. Thứ hai chỗ đó không có dự án nên không thể nào triển khai theo đúng quy trình thủ tục của dự án. Hai loại này xuất phát từ cò đất, môi giới đất. Hai loại này thường tìm mua các miếng đất nằm trong quy hoạch và triển khai các bước không cần xin phép nhằm mua bán, xây dựng sang tay. Trong quá trình phối hợp, có những nguyên tắc triển khai chưa tới nơi tới chốn, phát hiện lúc nào cũng chậm hơn, nhất là các địa bàn xa. Nhiều khi đi qua công trình, nhưng không biết của TP hay quận, huyện cấp phép. Vì vậy cần đưa thông tin các dự án được cấp phép, dự án vi phạm, hướng xử lý, kết quả xử lý…, lên hệ thống từ cấp phường, xã lên quận, huyện để biết kiểm tra. Tiếp đến khi phát hiện sai phạm nhưng lại xử lý không tới nơi tới chốn”, ông Hoan nhận định.

Đã nhận diện nhóm sai phạm nhưng… khó xử lý!

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, bản chất của những trường hợp xây dựng không phép, trái phép là cố ý vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng. Đối với người nghèo, khi mua phải đất chưa được phép xây dựng, họ cũng là nạn nhân dù có góp phần tham gia vi phạm. Đến nay chúng ta vẫn chưa nhận diện được đầu nậu, cò đất nên chưa thể xử lý dẫn đến tạo điểm nóng trên địa bàn. Vì vậy cần chỉ ra được đầu nậu, cò đất vì phải có người tổ chức phân lô, rao bán.

“Hiện Sở Tư pháp và Công an TP đã trình dự thảo theo hướng xử lý nghiêm những trường hợp chủ đầu tư cố tình xây dựng không phép, trái phép hoặc chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý nhưng đã xây dựng. Để chế tài, chúng ta không cung cấp điện, nước cho công trình, không cho đầu tư dự án khác, đồng thời cưỡng chế tài chính trong tài khoản hoặc áp dụng biện pháp xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng”, ông Hoan cho biết thêm.

Sau khi Giám đốc Sở Xây dựng và Phó Chủ tịch UBND TP trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND TP) cho rằng đã nhận diện được 2 nhóm dẫn tới sai phạm trong xây dựng (nhóm đầu cơ trục lợi, nhóm đầu nậu, cò đất), tại sao không xử lý? Tại sao có những hiện tượng người nghèo, dân nhập cư chưa có nhà ở lại mua những nơi phân lô bán nền sai quy hoạch? Xử lý thế nào đối với các chủ dự án khống, đầu nậu thu gom đất ở nơi không đúng quy hoạch rồi bán cho người nghèo?

“Những nơi xây sai quy hoạch, việc phải tháo dỡ là đúng quy định pháp luật. Nhưng lãnh đạo TP có nghĩ người nghèo có khi cả đời mới xây được căn nhà, nếu bị tháo dỡ sẽ ở đâu? Nhu cầu nhà ở là có thật, được Hiến pháp quy định. Vì vậy các quận, huyện cần xem lại trách nhiệm quản lý của mình. Tại sao cơ quan quản lý biết xây không phép nhưng không xử lý triệt để? Giám đốc Sở Xây dựng cần suy nghĩ, đề xuất HĐND TP xem có những chính sách gì để các nhà đầu tư quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp”, bà Tâm phát biểu.

Theo Kinh tế Đô thị


  • TAGS: