Sự mập mờ về pháp lý của Cengroup tại dự án Vườn Sen – Bắc Ninh?

Thực trạng của dự án vẫn chỉ là những lô đất, chưa có một căn nhà nào, nhưng Cengroup vẫn đang rao bán nhà và yêu cầu người mua nhà nộp tiền theo tiến độ.

Công ty Cổ phần bất động sản thế kỷ (Cenland), thành viên của Cengroup, đang rao bán và nhận ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất tại dự án “Đầu tư xây dựng khu thể thao, trường học, công trình công cộng, khu đô thị phường Đồng Kỵ (Tên thương mại Vườn Sen – Bắc Ninh). Tuy nhiên, dự án này có những biểu hiện mập mờ về pháp lý.

Để tìm hiểu rõ thực hư việc nhận đặt cọc mua nhà trên giấy của Cenland, PV có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng ban truyền thông Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ (Cengroup).

Thực trạng của dự án vẫn chỉ là những lô đất, chưa có căn nhà nào nhưng Cengroup vẫn đang rao bán nhà và yêu cầu người mua nhà nộp tiền theo tiến độ.

Tại buổi làm việc với PV bà Phương Anh cho biết, dự án Vườn Sen – Bắc Ninh phía Cengroup chỉ là đơn vị thứ cấp mua lại những lô đất đã có sổ đỏ để bán cho khách hàng có nhu cầu.

Trả lời như vậy, nhưng trên khắp các website hay sự kiện do Cengroup tổ chức đều giới thiệu đây là dự án của Cengroup đầu tư. Song chủ đầu tư thực sự lại là công ty Nam Hồng (TNHH).

Khi PV đề nghị bà Nguyễn Thị Phương Anh cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án Vườn Sen bao gồm: Hợp đồng chuyển nhượng dự án giữa công ty Nam Hồng và Cengroup, giấy phép xây dựng, giấy phép đủ điều kiện bán nhà, giấy bảo lãnh của ngân hàng, biên bản nghiệm thu cơ sở hạ tầng của dự án… thì bà Nguyễn Thị Phương Anh đã hẹn với phóng viên thông qua địa chỉ email.

Nhiều ngày sau đó, phía bà Phương Anh không cung cấp được cho PV về hồ sơ pháp lý cũng như những văn bản mà phóng viên yêu cầu trong buổi làm việc trước đó nhưng câu trả lời nhận được chỉ là lời hứa xuông.

Khách hàng chuyển khoản đặt cọc mua nhà trên giấy do Cengroup đang rao bán (Ảnh Hòa Nhập).

Vậy phải chăng đang có sự mập mờ khó hiểu ở giấy tờ pháp lý của dự án mà đại diện truyền thông của Cengroup đã không cung cấp cho báo chí. Liệu rằng Cengroup có đang lừa dối người tiêu dùng để chuyển tiền đặt cọc?

Theo văn bản số 284/QĐ-SXD của Sở Xây dựng Bắc Ninh ký ngày 24/11/2010 ghi rõ: “… Chủ đầu tư phải xây dựng nhà trước khi chuyển nhượng… Các công trình trước khi xây dựng phải xin cấp giấy phép xây dựng”.

Qua khảo sát thực tế tại dự án, PV được biết, cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, có dấu hiệu chưa đủ điều kiện được phép bán nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.

Và sự thật là Công ty TNHH Nam Hồng, chủ đầu tư dự án, đã thế chấp toàn bộ dự án này tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Bắc Ninh, theo hợp đồng số 032016/167622/HĐBĐ ký ngày 27/1/2016 với tài sản đảm bảo là “Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất; Quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được từ Dự án Khu thể thao trường học, công trình công cộng, khu đô thị tại phường Đồng Kỵ thị xã Từ Sơn.

Nếu trong trường hợp công ty Nam Hồng chưa giải chấp dự án đang thế chấp này thì người mua nhà sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã quy định, chủ đầu tư dự án trước khi bán nhà hình thành trong tương lai, phải nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng để cơ quan này xác nhận đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn. Trước khi bán căn hộ, chủ đầu tư cũng phải làm thủ tục giải chấp căn hộ đó tại ngân hàng và phải có ngân hàng bảo lãnh. Giám sát được quá trình giải chấp căn hộ của chủ đầu tư và thực hiện bán căn hộ để thu hồi vốn sẽ tránh được những rủi ro. Những người mua nhà nên làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ cung cấp văn bản của cơ quan chức năng hoặc văn bản của ngân hàng, nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, chứng minh căn hộ của họ không bị thế chấp. Đây là những yếu tố đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Nguyên Mạnh/Khỏe 356


  • TAGS: