SkinFood có dấu hiệu kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ?

Cửa hàng Skinfood có dấu hiệu kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem, nhãn phụ, số lô, số công bố, mã vạch bằng tiếng Việt… theo Thông tư 06/2011/BYT của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm.

Theo phản ánh của bạn đọc, nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tại cửa hàng SkinFood (địa chỉ: 100 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM ) không có tem, nhãn phụ, số lô, công bố, mã vạch bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật đối với mỹ phẩm nhập khẩu.

Điều này khiến khách hàng đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải sản phẩm nhập khẩu chính hãng hay không?

 Nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tại cửa hàng SkinFood không có tem, nhãn phụ, số lô, công bố, mã vạch bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật đối với mỹ phẩm nhập khẩu.

Từ nguồn thông tin trên, phóng viên đã đến cửa hàng SkinFood tại địa chỉ số 100 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình để xác minh. Theo quan sát, rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm tại cửa hàng không hề có bất kì thông tin hợp lệ nào theo quy định pháp luật như đã nêu trên.

Trong đó, bằng mắt thường chúng ta dễ dàng quan sát bao bì của sản phẩm Camiane luminous được in bằng những dòng chữ tiếng Hàn, mặt sau cũng không có bất kỳ thông tin gì về số lô, công bố, mã vạch… và tên công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Bằng mắt thường chúng ta dễ dàng quan sát bao bì sản phẩm Camiane luminous được in bằng những dòng tiếng Hàn, mặt sau của sản phẩm cũng không có bất kỳ thông tin gì về số lô, công bố, mã vạch… 

Đối với các sản phẩm thực phẩm bổ sung như viên uống cấp nước Hàn Quốc và colagen Innerb Aqua Rich cũng được bày bán trong tình trạng tương tự.

 Một sản phẩm thực phẩm bổ sung khác được bày bán tại Skinfood nhưng không có thông tin nhập khẩu rõ ràng.

Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, sản xuất mỹ phẩm trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu trên bao bì phải có tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cụ thể như: số lô, số công bố, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, định lượng. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện rõ nội dung hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt sẽ phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giữ nguyên bản gốc, tức là nội dung nhãn phụ phải chuẩn sát với nội dung trên bản gốc.

Việc đáp ứng các quy định của pháp luật như nêu trên nhằm giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức phân biệt được hàng nhập khẩu chính hãng và hàng giả mạo trên thị trường, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Để tiếp tục làm rõ thông tin, phóng viên đã truy cập vào trang web (https://thegioiskinfood.com) của cửa hàng SkinFood. Tại đây có thể thấy, trên trang web không hề hiển thị thông tin công ty, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm. Câu hỏi đặt ra, khi sản phẩm có dấu hiệu chưa rõ nguồn gốc, khách hàng sử dụng nếu có ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị tác hại xấu, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?

Phóng viên đã liên hệ với đại diện của cửa hàng SkinFood để có thông tin khách quan tuy nhiên chúng tôi chưa nhận được phản hồi. Liên quan đến vụ việc cửa hàng SkinFood có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa, mỹ phẩm không rõ xuất xứ, PV Chất lượng Việt Nam online đã có buổi làm việc với Đội Quản lí thị trường phường 12, quận Tân Bình. Vụ việc sẽ được chuyển lên Cục Quản lý thị trường TP.HCM để tiếp tục xác minh, xử lý.

Chất lượng Việt Nam online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc! 

Theo VietQ


  • TAGS: