“Một mét vuông, ba người làm nghề môi giới bất động sản"

Trong 2 năm qua, nhiều lao động từ các ngành nghề như du lịch, giáo viên, nhà hàng đã chuyển sang làm môi giới bất động sản.

Người người, nhà nhà đi làm môi giới bất động sản

Hơn 2 năm qua, do phải ứng phó với đại dịch COVID-19, nhiều ngành nghề đã phải tạm ngừng hoạt động, khiến hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Một số ngành nghề có thất nghiệp cao như du lịch, nhà hàng, kinh doanh quán bar, internet hoặc nghề hướng dẫn viên thể hình, giáo viên mầm non,...

Để duy trì cuộc sống, nhiều người đã phải chuyển sang các nghề khác không bị hạn chế hoạt động. Trong đó, 2 ngành được lựa chọn nhiều nhất là kinh doanh bảo hiểm và môi giới bất động sản.

mot met vuong ba nguoi lam nghe moi gioi bat dong san hinh 1

Có rất nhiều lao động từ ngành nghề khác chuyển sang làm môi giới bất động sản

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, anh Hữu Phong, một hướng dẫn viên du lịch chuyển sang nghề môi giới bất động sản cho biết: Hơn 2 năm ngành du lịch bị tê liệt, anh Phong từ người có thu nhập trên 2.500 USD/tháng, trở thành “rỗng túi”.

“Các hoạt động dẫn tour khách quốc tế gần như “đóng băng” trong 2 năm qua, và mới chỉ hoạt động trở lại trong mấy ngày gần đây. Nên để có thu nhập, bắt buộc phải chuyển sang nghề khác”, anh Phong nói.

Giải thích lý do lựa chọn chuyển sang nghề môi giới bất động sản, anh Phong nói: Thứ nhất, ngành môi giới bất động sản không ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh, ngay cả trong bối cảnh giãn cách xã hội vẫn có thể tư vấn trực tuyến.

Thứ hai, ngành môi giới bất động sản dễ xin việc. Chỉ cần học qua một khóa môi giới trong vài ngày là có thể trực tiếp dẫn khách đi mua nhà.

Thứ ba, ngành môi giới bất động sản không bị bó buộc về thời gian và không gian làm việc.

Cuối cùng, du thu nhập từ ngành này không ổn định. Tuy nhiên, nếu may mắn “chốt” được nhiều đơn, thu nhập rất hấp dẫn. Có khi bán được 1 sản phẩm có thể chơi tới vài tháng.

“Ngay trong tháng đầu tiên làm môi giới, tôi bán được 1 sản phẩm nhà mặt ngõ tại Hà Nội, hoa hồng được gần 50 triệu đồng. Tất nhiên có tháng bán được, có tháng không, nhưng ngành môi giới khá tự do, thích thì làm, không thì nghỉ”, anh Phong nói thêm.

Tương tự, chị Tạ Hảo, trước đây là hiệu phó của một trường mầm non tư thục tại Hà Nội, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chị Hảo thất nghiệp và phải chuyển sang làm môi giới bất động sản để duy trì cuộc sống.

“Trong mùa dịch cả tôi và chồng đều rơi vào cảnh thất nghiệp. Cực chẳng đã nên mới phải chuyển sang nghề khác để có thêm thu nhập”, chị Hảo nói.

Đại diện một công ty môi giới bất động sản khá có tiếng tại Hà Nội chia sẻ: Trong năm 2021, số lượng người nộp hồ sơ vào công ty đã tăng bình quân khoảng 30% - 40% so với những năm trước. Đặc biệt, vào tháng 10 năm ngoái, số lượng người nộp hồ sơ tăng gấp rưỡi.

Ngay cả thời điểm hiện tại, số lượng cá nhân trở thành môi giới bất động sản vẫn đang tăng nhẹ.

“Có rất nhiều lao động từ ngành nghề khác chuyển sang làm môi giới bất động sản, từ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng, khách sạn, thậm chí có cả giáo viên có nhiều năm trong nghề. Đa phần, họ đều vì cuộc sống mà bắt buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác để duy trì cuộc sống”, vị này cho biết.

Đại diện doanh nghiệp môi giới bất động sản này thừa nhận: Năm 2020, năm đầu tiên đại dịch COVID-19 xuất hiện, ngành môi giới bị ảnh hưởng rất nhiều do chưa thích nghi được với các lệnh giãn cách xã hội. Các hoạt động tư vấn nhà đất gần như tê liệt.

Sang năm 2021, các doanh nghiệp môi giới đã có sự chuẩn bị từ trước, nên trong thời điểm giãn cách lần thứ 3 gần như không bị ảnh hưởng quá nhiều.

“Ngay trong thời điểm giãn cách, chúng tôi vẫn có các hoạt động tư vấn trực tuyến, thông qua điện thoại hoặc các ứng dụng công nghệ. Hoặc có các video tự quay để tạo ra kho sản phẩm. Khách hàng ưng thì đặt cọc trước, hoặc “chốt” luôn, nên ảnh hưởng không quá lớn”, đại diện doanh nghiệp môi giới cho biết.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, trước đây, doanh nghiệp có hỗ trợ xăng xe hàng tháng cho các cá nhân môi giới nếu ký hợp đồng trực tiếp với công ty, khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, do số lượng môi giới ngày càng đông, doanh nghiệp này đã “cắt” chi phí hỗ trợ. Thay vào đó là tăng chiết khấu hoa hồng cho cá nhân môi giới nếu “chốt” được sản phẩm.

“Một mét vuông, ba người làm nghề môi giới bất động sản"

Cũng vì quá nhiều người chuyển sang nghề môi giới bất động sản, nên các cá nhân môi giới đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt. Sự cạnh tranh này đến từ các công ty môi giới với nhau. Các cá nhân môi giới trong cùng một công ty cũng phải “đối đầu”, thậm chí, họ còn phải cạnh tranh với các môi giới bất động sản tự do.

Lê Đạt, một nhân viên bất động sản mới vào nghề được nửa năm chia sẻ: Những cá nhân môi giới làm trong công ty, đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các cá nhân môi giới tự do.

mot met vuong ba nguoi lam nghe moi gioi bat dong san hinh 2

Trong 2 năm qua, nhiều lao động từ các ngành nghề như du lịch, giáo viên, nhà hàng đã chuyển sang làm môi giới bất động sản.

Cách đây vài hôm, Đạt nhận được công ty giao nhiệm vụ tiếp một vị khách “sộp” đang có nhu cầu mua nhà mặt đường, hoặc mặt ngõ rộng để kinh doanh, nằm trong khoảng giá 8 - 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi đến địa điểm hẹn trước, Đạt bất ngờ khi thấy vị khách của mình đi xe máy hiệu Honda, mặc áo phông và đeo ba-lô trên lưng.

“Không có một vị khách nào đi mua nhà giá 8 - 9 tỷ đồng mà đi xe máy, đeo ba-lô trên lưng cả. Tôi chắc chắn đây là môi giới bất động sản tự do, vì không có quỹ nhà nên phải đi “săn” nhà từ các môi giới khác”, Đạt nói.

Để không bị mất quỹ nhà vào tay đối phương, Đạt chơi “chiêu” giới thiệu nhà khác cho “vị khách lạ” kia. 

“Hiện giờ, một mét vuông có 3 thằng làm môi giới, nên nhiều khi có quỹ nhà đẹp, giá hợp lý phải giữ, không bị rơi tay đối thủ, như thế là mình mất trắng”, Đạt chia sẻ.

Theo Công luận


  • TAGS: