Khi Ngân hàng Nhà nước tạm “vắng mặt” trong cân tiền

Tuần qua, lần đầu tiên sau một thời gian dài thị trường ghi nhận những phiên liên tiếp Ngân hàng Nhà nước tạm “vắng mặt” trong cân đối nguồn hệ thống.

Xu hướng dịch chuyển vốn nước ngoài vào Việt Nam đang được chú ý trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Trên thị trường liên ngân hàng phiên 22/8 đánh dấu lần đầu tiên kể từ đợt biến động hồi tháng 4/2019 giá USD xuyên thủng “ngưỡng chặn” của Ngân hàng Nhà nước.

Đúng ra, ngưỡng 23.200 VND ứng với 1 USD được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng và áp từ đầu năm nay, sau khi tỷ giá USD/VND rơi mạnh thời điểm đó.

Những dữ kiện trên gắn với một quá trình lâu dài, từ cuối 2018 đến đầu 2019. Đó cũng là quãng thời gian Ngân hàng Nhà nước liên tiếp mua vào lượng lớn ngoại tệ, được đánh giá với quy mô kỷ lục tính theo tháng.

Theo đó, một lượng lớn tiền VND cung ứng ra mua ròng ngoại tệ. Song song, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục phát hành tín phiếu với quy mô lớn để hút bớt VND về, trung hòa trong ngắn hạn và gối đầu.

Hoạt động hút bớt tiền về ghi nhận rõ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tức từ cuối tháng 2/2019. Tại một số thời điểm, quy mô hút bớt tiền về từng ghi nhận những phiên lên tới 15.000 tỷ đồng; số dư lưu hành tín phiếu (lượng tiền tạm hút về) nhiều thời điểm duy trì ở mức cao quanh 70.000 tỷ đồng…

Nhưng, như trên, lần đầu tiên sau quãng thời gian liên tiếp hút tiền về đó, thị trường bắt đầu ghi nhận những phiên cuối tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã tạm “vắng mặt”.

Cơ quan này đã ngừng phát hành tín phiếu, trong khi lượng lớn tín phiếu phát hành trước đó lần lượt đáo bạn đồng nghĩa với “bơm ròng” lượng tiền lớn trả lại cho thị trường. Số dư tín phiếu lưu hành theo đó cũng giảm mạnh.

Sự “vắng mặt” của nhà điều hành ở hoạt động trên có tại thời điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, “bất chấp” đồng Đô la Mỹ tăng mạnh và đồng Nhân dân tệ liên tục xuống giá, tỷ giá USD/VND cho đến nay vẫn ổn định. Nếu không có hoạt động chặn mua của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tại mốc 23.200 VND nói trên, tỷ giá USD/VND có thể còn xuống nữa, thực tế giá giao dịch trên liên ngân hàng đã xuyên qua.

Diễn biến này phản ánh cung ngoại tệ lớn và thuận lợi. Ở đây, cập nhật mới từ Tổng cục Hải quan kỳ nửa đầu tháng 8 này, lũy kế từ đầu năm Việt Nam đã xuất siêu đáng kể với gần 3 tỷ USD; cùng đó, xu hướng dịch chuyển vốn nước ngoài vào Việt Nam đang được chú ý trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Thêm nữa, tỷ giá USD/VND ổn định, và thậm chí VND lên giá gần hai tháng qua, còn song song với chênh lệch lãi suất giữa VND với USD co hẹp trên thị trường liên ngân hàng (chỉ còn quanh 0,65%/năm thay vì khoảng 1,5%/năm trước đó, tùy kỳ hạn).

Thông thường, chênh lệch lãi suất quá hẹp trên liên ngân hàng, thực tế có những giai đoạn điểm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền bị âm, thường lập tức kích tăng tỷ giá USD/VND. Nhưng vừa qua và hiện nay thì không, có thể do yếu tố nổi trội về nguồn cung ngoại tệ quyết định.

Thứ hai, sự “vắng mặt” của Ngân hàng Nhà nước nói trên là bước nối tiếp sau khi cơ quan này đã thực hiện giảm lãi suất tín phiếu hơn một tháng trước (từ 3%/năm xuống 2,75%/năm loại kỳ hạn 7 ngày).

Theo đó, nhà điều hành đã tạm ngừng hút tiền về, dòng chảy tiền ra thị trường thuần hơn, dĩ nhiên là nhiều hơn so với khi bị hút bớt về.

Diễn biến này có ở thời điểm vừa qua một số ngân hàng thương mại đẩy cao lãi suất huy động VND, hoặc qua phát hành chứng chỉ tiền gửi. Mặt khác, thị trường và nền kinh tế đã bước sâu hơn vào nửa sau của năm - thường là mùa cao điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu tín dụng tăng cao…

Và có một điểm liên quan khác. Theo dõi các phiên đấu thầu thời gian qua cho thấy, thường chỉ có khoảng 3 - 4 ngân hàng thương mại thường xuyên mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Họ có nguồn vốn và cân đối nguồn thuận lợi, tín phiếu này cũng là một kênh để đầu tư với lãi suất 3%/năm rồi về 2,75%/năm vừa qua.

Nhưng vừa qua, khi nhà điều hành tạm ngừng phát hành, nguồn vốn dồi dào của những thành viên đó tìm hướng khác để dịch chuyển, có thể ngấm ra thị trường nhiều hơn.

Tương tự, báo cáo tài chính quý 6/2019 của một số ngân hàng thương mại lớn cũng đã phản ánh sự dịch chuyển khác khá rõ nét: khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì mặt bằng thấp kéo dài, biên lợi nhuận kém hấp dẫn, một lượng vốn lớn của những ngân hàng thương mại sung túc đã chuyển sang trái phiếu để có biên lớn hơn.

Theo Bizlive.vn


  • TAGS: