Bình Dương: Cẩn trọng từ những dự án bất động sản ‘ma’ giữa rừng cao su

Thời gian qua, nhiều dự án đất nền đua nhau nở rộ tại các địa bàn vùng xa tại tỉnh Bình Dương. Phần lớn những dự án này pháp lý chưa đầy đủ, thậm chí chưa có dự án nhưng vẫn được rao bán một cách rầm rộ bất chấp các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

Huyện Bắc Tân Uyên, tuyến đường ĐT 742, thuộc xã Bình Mỹ chạy dọc giữa rừng cao su hoang vắng, lác đác một số nhà dân với hàng quán phục vụ khách đi đường, heo hút là thế, nhưng bên trong những cánh rừng cao su bạt ngàn đó là hàng loạt dự án bất động sản được mọc lên. Qua các quảng cáo trên các trang mạng, trên đường, thậm chí cả trên cột điện, nơi đây tương lai là những khu đô thị kiểu mẫu, khu dân cư sầm uất, đáng sống, đáng để đầu tư.

Dự án “ma” Hana Garden Mall nằm giữa rừng cao su.

Trong đó có dự án Hana Garden Mall do Công ty TNHH MTV Bất động sản Đầu tư và Phát triển Hà Nam làm chủ đầu tư, Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích gần 23ha, khi hoàn thành sẽ cung ứng ra thị trường 1.300 nền nhà phố. Tuy vậy, cả chính quyền địa phương lẫn cơ quan quản lý cấp tỉnh đều cho hay tại vị trí trên chỉ có dự án Khu nhà ở Bình Mỹ 2, còn dự án mang tên rất “Tây” kia thì  không tồn tại.

Mặc dù dự án Khu nhà ở Bình Mỹ 2 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, hạ tầng còn đang dang dở, và cũng không có văn bản chấp thuận đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo Luật Kinh doanh Bất động sản. Thế nhưng, chủ đầu tư đã công khai mở bán rầm rộ thông qua các đơn vị phân phối như Công ty cổ phần Uniland; Công ty cổ phần Phát triển Địa ốc Á Châu; Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Nhất Việt; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Dương và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bất động sản Minh Dương.

Dự án được tổ chức giới thiệu công khai (ảnh nhỏ là trụ sở Chủ đầu tư).

Cách đó không xa, Dự án Khu nhà ở Toàn Thắng Vĩnh Tân vốn được mở bán trước đó, nay trở thành phế tích hoang tàn, hàng rào bao quanh dự án lâu ngày không được duy tu sửa chữa đã đổ rạp lộ ra bên trong là bãi đất trống đầy cỏ dại, thứ duy nhất thể hiện đây đã từng là một dự án bất động sản chỉ là cánh cổng bong tróc.

Cảnh hoang tàn đổ nát của một dự án bất động sản tại Bình Dương.

Tại huyện Bàu Bàng, lọt thỏm giữa rừng cao su, chủ đầu tư đã đốn hạ hàng chục hecta cây trồng để làm Dự án Phúc An Garden. Dự án được giới thiệu là sản phẩm đầu tay tại thị trường Bình Dương của Công ty Bất động sản Trần Anh Group với quy mô “khủng” lên đến 1.600 nhà phố và đất nền.

Dù khu đất ở sâu trong rừng cao su nhưng khi khách hàng đến tìm hiểu dự án, các nhân viên môi giới luôn miệng nói gần trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính… và đeo bám từng khách hàng để giới thiệu về viễn cảnh tươi đẹp của dự án.

Trớ trêu thay, dự án này cũng lại là một dự án “ma”, tại vị trí trên, tỉnh Bình Dương chỉ cấp phép và quản lý dự án Khu nhà ở nông thôn Nam Long 2 do Công ty Ánh Dương Miền Nam làm chủ đầu tư.

Dự án “ma” Phúc An Garden vẫn đang được tiếp thị quảng cáo rầm rộ.

Trong 32 dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh năm 2019 do Sở Xây dựng Bình Dương công bố mới đây, các dự án trên đều không có tên trong danh sách này.

Từ bài học Alibaba, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các dự án “ma”

Theo Luật sư Trần Văn Hùng – Đoàn Luật sư TP.HCM, việc chủ đầu tư “vẽ” ra các dự án “ma” và rao bán công khai, rầm rộ trên các trang mạng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 về tội lừa dối khách hàng, có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và kinh doanh Bất động sản. Bên cạnh đó, việc các dự án đăng thông tin bán đất, bán nhà sai sự thật còn làm ảnh hưởng tới thị trường nhà, bất động sản và môi trường đầu tư.

Cũng theo Luật sư Hùng, trong trường hợp một dự án bất động sản chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị phân phối đã mở bán và tiến hành thu tiền của khách hàng là có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, đồng nghĩa rủi ro của khách hàng sẽ rất lớn nếu chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng liên quan. Từ bài học Alibaba, nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn khi tìm hiểu các dự án bất động sản. Đối với những khách hàng lỡ mua phải dự án “ma” thì nên báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra để các cơ quan này sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động lừa đảo nếu có, đồng thời mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Thời điểm cuối năm được xem là khoảng thời gian vàng để quyết định doanh số cho một năm kinh doanh. Do vậy, không ít các cá nhân, tổ chức môi giới bất động sản đã dùng mọi “chiêu thức” để thu hút dòng tiền từ khách hàng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần vào cuộc kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn, thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5951/UBND-KTN ngày 7/12/2018 về việc phối hợp chấn chỉnh tình trạng các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở thực hiện giao dịch khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý trong phát triển nhà và thị trường bất động sản, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Xuân Quý – Phạm Sơn – Theo PhapluatNet

https://phapluatnet.vn/bat-dong-san/binh-duong%3A-can-trong-tu-nhung-du-an-bat-dong-san-ma-giua-rung-cao-su-48173.htm


  • TAGS: