Ai là ông chủ chủ dự án WestGate qua 10 mùa xuân chưa

Sau 10 năm bỏ hoang, nằm “đắp chiếu”, dự án WestGate vẫn chỉ là bãi đất trống được quây hàng rào sơ sài, cỏ mọc um tùm. Thế nhưng, dự án không bị thu hồi mà còn được điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng diện tích khiến dư luận tò mò, muốn biết về chân dung chủ đầu tư.

Dự án Khu đô thị Hanoi Westgate có vị trí đắc địa tại xã Ngọc Mỹ và thị trấn Quốc Oai, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia 14 km. là khu đô thị sinh thái nằm trong tổng thể gần 900 ha thuộc huyện Quốc Oai được UBND TP Hà Nội giao cho Cty Tư vấn VIAP (Bộ Xây dựng) làm quy hoạch. Dự kiến dự án bao gồm: Trung tâm trưng bày, một tòa nhà văn phòng và căn hộ cho thuê, khu sinh thái và dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn, 2 trường dạy nghề, 1 khu thể thao.

Gần 50 ha đất nằm trên sát trục đường Đại lộ Thăng Long vốn được coi là mảnh “đất vàng” được nhiều đại gia địa ốc mong muốn. Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Không xa lạ, công ty này là một chi nhánh của Gami Group.

Sau nhiều năm không thể thực hiện dự án, năm 2012, công ty TNHH liên doanh Hanoi WestGate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp với phía nước ngoài là Công ty Keppel land Investment (Hanoi) Pte. Ltd, Sigapore) được thành lập để đầu tư xây dựng Khu đô thị Hanoi WestGate tại huyện Quốc Oai với mục đích kinh doanh bán và cho thuê. Trong đó, bên phía Việt Nam góp 40% vốn điều lệ bằng chi phí bỏ trước (kinh phí giải toả, đền bù, tái định cư) liên quan đến khu đất dự án, doanh nghiệp nước ngoài góp 60% vốn điều lệ bằng tiền mặt.



Dự án WestGate "đắp chiếu" suốt 10 năm đang là dấu hỏi lớn chưa được giải đáp

Đến tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment Hà Nội Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng đến thời điểm giấy chứng nhận đầu tư hết hạn, chủ đầu tư này vẫn không thể thực hiện dự án. 

Có thể thấy, dù đã có những thay đổi về tên dự án, liên kết với cả doanh nghiệp nước ngoài nhưng dự án dự kiến có quy mô đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vẫn "nằm trên giấy". Chính vì vậy, dư luận nghi ngờ về năng lực, tiến độ thực hiện dự án và mục đích “ôm đất” của chủ đầu tư này. 

Đặc biệt, thời gian qua Hà Nội đã có những "hành động" quyết liệt nhằm "xoá sổ" những dự án chậm tiến độ nhiều năm, nhưng dự án này lại đang có những "tín hiệu" được điều chỉnh: tăng vốn đầu tư, tăng quy mô…

Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp là một chi nhánh là chi nhánh của tập đoàn Gami Group. Tập đoàn Gami hoạt động đa lĩnh vực, từ thương mại, thực phẩm tới bất động sản. Nhưng vai trò nổi bật nhất là nhà phân phối và cho thuê ô tô tại Việt Nam.



Dự án Khu đô thị Hanoi Westgate có vị trí đắc địa

Các công ty con của tập đoàn này như An Du, An Dân phân phối ô tô của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes Benz, Mitsubishi, Ford, Kia. Trong khi đó, Công ty An Hòa Phát của Gami chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe, nhượng quyền thương hiệu quốc tế Avis.

Bên cạnh tên tuổi là nhà phân phối xe hơi của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam, Gami Group còn có tiếng vang trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.

Trong khi đó, với lĩnh vực bất động sản, ngoài dự án Hà Nội Westgate, Gami được biết đến với các dự án như: khu đô thị Ecoriver Park Đà Nẵng, với quy mô gần 60ha, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án Resort Phú Quốc, với quy mô 34,9ha ta tại Bãi Trường; Dự án khu phố mới Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai với quy mô 15,6ha; Dự án đô thị mới Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên với quy mô 10,4ha; Dự án Tuần Châu (Quảng Ninh)…

Nhìn lại, mặc dù sở hữu nhiều dự án bất động sản, với tổng đầu tư lên đến hàng tỷ USD tuy nhiên với một dự án lên đến 50 ha mà bao đại gia mơ ước vẫn nằm “chình ình” giữa thủ đô mà không được thực hiện, dư luận và người dân mong đợi phía chủ đầu tư, tập đoàn Gami sẽ có câu trả lời thỏa đáng về dự án Hà Nội Westgate.

Theo thông tin báo chí cho biết, ngày 21/1, vị đại diện UBND xã Ngọc Mỹ cho biết, cách đây 2 tuần, bên chủ đầu tư có về xã đề nghị cho họ cải tạo hệ thống kênh mương dự án trước, khi nào xong sẽ triển khai theo kế hoạch của họ. Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận: "Đến thời điểm này đáng lẽ dự án phải triển khai...". 

Theo Hòa nhập


  • TAGS: