10 năm tới, châu Á sẽ 'vô địch' thành phố có GDP trên 50 tỷ USD

Theo nghiên cứu của Savills, năm 2018, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã vượt châu Mỹ thành nơi có nhiều thành phố có GDP trên 50 tỷ USD nhất. Con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thập kỷ tới.

Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: trungquocsensetravel.com

Công ty Dịch vụ Nghiên cứu và Tư vấn Savills mới đây vừa công bố nghiên cứu và dự báo về Trật tự thế giới mới năm 2028.

Theo nghiên cứu, trật tự sắp xếp của các thành phố hàng đầu thế giới dường như không thế thay đổi, nhưng với những yếu tố sẽ làm gián đoạn thị trường thông qua công nghệ, nhân khẩu học, và định hướng phát triển của từng thành phố, trật tự này dự kiến sẽ có điều chỉnh trong thập kỷ tới.

Báo cáo nghiên cứu chỉ ra, trong thập niên vừa qua, số lượng thành phố với tổng sản lượng quốc nội (GDP) trên 50 tỷ USD đã tăng từ 177 lên 248, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thành phố này trong bối cảnh thị trường có nhiều gián đoạn. Tính đến năm 2028, con số này dự kiến sẽ tăng lên 317.

Các thành phố với GDP trên 50 tỷ USD góp phần làm nên 83% GDP toàn cầu trong nắm 2018, tăng từ 79% thời điểm 10 năm trước. Tỷ trọng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức 89% trong vòng 10 năm tới khi các thành phố này ngày càng nắm vai trò quan trọng.

Cũng theo báo cáo, sự phân bổ địa lý của các thành phố này đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua, và dự kiến sẽ tiếp tục thay đổi. Trong năm 2018, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có nhiều thành phố có GDP trên 50 tỷ USD, vượt qua châu Mỹ. Tính đến năm 2028, dự kiến hơn 1 nửa số các thành phố sẽ nằm ở khu vực này.

Một mối đe dọa khác là các thành phố cùng hợp tác với nhau. Việc tạo ra các đại khu vực đã thúc đẩy sự hợp tác xuyên quốc gia giữa Mỹ, Mexico và châu Âu. Trung Quốc cũng có thể tự làm điều này bằng cách kết nối các đô thị đông dân của mình.

Bộ phận Nghiên cứu của Savills đã phân tích một cách kỹ lưỡng các yếu tố tác động này, đồng thời phân tích năng lực phục hồi của các thành phố, các đô thị đang thách thức trật tự hiện tại và các đại khu vực đang hình thành trên thế giới.

Top 20 thành phố có GDP lớn nhất thế giới năm 2028

Bảng xếp hạng 20 thành phố hàng đầu thế giới năm 2028 có những cái tên quen thuộc và một số thành phố lớn của Mỹ. Bốn thành phố New York, Tokyo, London và Los Angeles được dự báo sẽ dẫn đầu, không có gì thay đổi so với 2 thập kỷ trước. Những thành phố này có lợi thế sẵn có từ đẳng cấp thế giới của mình và dự kiến sẽ duy trì năng lực phục hồi cao trong 10 năm tới.

New York, Los Angeles và London chiếm 3 thứ hạng cao nhất trong Top 10 thành phố có lượng vốn đầu tư cao nhất thế giới: 3 thành phố này đều nằm trong top 4 thành phố có năng lực phục hồi cao (Resilient Cities Index). Các thành phố của Mỹ thuộc top 20 thành phố có năng lực phục hồi cao và top 10 thành phố có lượng vốn đầu tư cao nhất thế giới là Chicago, Washington DC, San Francisco và Dallas.

Theo dự báo của Savills, thay đổi lớn nhất trong 10 năm tới sẽ là sự trỗi dậy của các thành phố châu Á. Từ năm 2008 đến 2028, có 7 thành phố châu Á mới sẽ gia nhập top 20. Trong số đó, 6 thành phố đến từ Trung Quốc và thành phố còn lại là Jakarta, Indonesia. Những thành phố có năng lực phục hồi mới nổi này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và thu nhập hộ gia đình trong thập niên vừa qua, và dự kiến sẽ tiếp tục củng cố vị thế của mình nhờ quy mô tài sản lớn hơn của tầng lớp trung lưu.

Tuy có sự thay đổi trong danh sách top 20 thành phố hàng đầu thế giới, nhưng tỷ trọng GDP của các thành phố này trong năm 2028 dự kiến sẽ duy trì ở mức ốn định, khoảng 25%, so với 26% vào năm 2018.

Ngoài ra, nghiên cứu của Savills cũng đưa ra danh sách các thành phố thách thức cục diện. Đây là các thành phố dự kiến sẽ góp mặt trong top 50 tính đến năm 2028 bằng cách tăng ít nhất 10 hạng. Các thành phố này sẵn sáng cạnh tranh với các thành phố đã phát triển bằng cách sử dụng các yếu tố gián đoạn thị trường như một lợi thế. Với các nhà đầu tư bất động sản dài hạn, đây là những thị trường cần được theo sát.

Danh sách này gồm 8 thành phố này đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. Xét về các thành phố của Ấn Độ và khu vực Trung Đông, đây đều là các thành phố nổi tiếng trên thế giới như Delhi, Mumbai và Bengaluru (Bangalore), và Riyadh & Jeddah từ Ả rập Saudi. Tuy vậy, các thành phố thách thức cục diện của Trung Quốc là các thành phố hạng 2 của quốc gia này, tuy lớn nhưng ít được biết đến trên thế giới như Hàng Châu, Nam Kinh và Ninh Ba.

Simon Hope, Trưởng Bộ phận Thị trường vốn quốc tế của Savills, đánh giá: "8 thành phố thách thức cục diện có thể là thị trường đầu tư thay thế. Tuy có những rủi ro nhất định, các thành phố này được dự báo sẽ tăng tốc và nhảy hạng với năng lực phục hồi trong những thách thức sắp tới. Nhà đầu tư nên nghiên cứu tìm cách gia nhập đầu tư vào các thị trường này nếu họ sẵn sàng án binh bất động để hưởng lợi suất dài dạn".

Theo Bizlive


  • TAGS: